

Chức vô địch Đông Nam Á của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam trong năm 2019 tiếp nối chuỗi những thành công vang dội của các đội bóng Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo. Cảm ơn ngài Park và các cầu thủ trẻ là chưa đủ, có lẽ chúng ta cũng nên truyền đi cảm hứng chiến thắng bằng những hành động cụ thể và thiết thực.
Có một nghệ sĩ lớn kể chuyện vui lấy cảm hứng từ chiến thắng của U22 rằng, anh chàng thanh niên kia quyết đem kèn ra thổi ngoài đường sau chiến thắng của đội nhà, mẹ anh can ngăn vì sợ người đông, hỗn loạn con có thể mất cả mạng. Nhưng anh chàng nói vì niềm tự hào dân tộc, có chết cũng cam lòng. Mẹ anh thấy vậy khóc lóc, chẳng phải vì bà hạnh phúc khi chứng kiến dũng khí của con, mà vì bà tiếc số tiền đã chạy chọt để anh con trai không phải đi nghĩa vụ quân sự trước đó. Chỉ là một câu chuyện vui, nhưng cũng phần nào nói lên khoảng cách giữa cảm giác tự hào và hành động thiết thực để khẳng định được niềm tự hào đó.

(Ảnh: Đức Đồng/VFF)

Chúng ta đã từng chiến thắng biết bao thế lực quân sự hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, dù chúng ta là một quốc gia nhỏ bé với dân số ít hơn họ rất nhiều. Bởi trên đời vẫn có một cái lý rằng: “Nước rất yếu, nhưng lại có thể đẩy trôi đá, đó là do thế của nước mạnh”, hay “Dũng cảm hay ươn hèn là do khí thế tạo thành…” (Tôn Tử).

Người Việt từng có một cái “thế” rất lớn mạnh, giống như của các cầu thủ trẻ bây giờ. Mà trong chiến đấu, có một thế mạnh đã là một tiền đề rất quan trọng cho chiến thắng. Tiết thứ 50 (Thế lực) của trước tác Trường Đoản Kinh có ghi: “Nếu quân đội có thế ‘lực bạt sơn hề khí cái thế’ (sức dời núi, khí trùm trời), thì hoàn toàn có thể phát huy được sức chiến đấu, một có thể chọi mười. Trái lại, dù là trăm vạn quân, nếu binh sĩ tác chiến với tâm lý e ngại, lo sợ, thì không thể giành chiến thắng”.
“Thế” mà người Việt xưa từng có là cái thế có được do bị dồn tới đường cùng, nước lên cao ắt sẽ ập xuống, tức nước tất vỡ bờ. Nhưng ở trong đó vẫn có yếu tố trách nhiệm vì giang sơn, đại cục. Người Việt đã từng là một dân tộc chuộng Nghĩa, biết đặt lợi ích của xã tắc lên trên lợi ích bản thân mình, gia đình mình. Nguyễn Trãi từng viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” – (Bình Ngô đại cáo). Chính vì thế, các cuộc chiến của người Việt có cái thế “hợp đạo Trời, thuận lòng người”, từ đó mới có thể lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”.

Các cầu thủ U22 Việt Nam ăn mừng sau khi lên ngôi vô địch tại Sea Games 30 tại Phlippines. (Ảnh: Sport5)

Lịch sử dẫu huy hoàng cũng đã lùi vào dĩ vãng. Hôm nay, là công dân của quốc gia có tấm hộ chiếu vào dạng ít quyền lực trên thế giới, người Việt dường như mang trong mình khát khao vươn lên, khát khao được ghi nhận, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Trong “cơn khát” ấy, 1 vị huấn luyện viên, 11 cầu thủ trên sân cỏ và một bộ máy không quá vài chục người vận hành âm thầm để hỗ trợ họ, đã tạo ra những chiến thắng khiến 90 triệu người tự hào.
Tự hào dân tộc là khái niệm được nhắc đi nhắc lại sau những mùa giải của các cầu thủ Việt Nam. Nhưng nó không chỉ là một trạng thái hạnh phúc cho không biếu không, nếu “tự hào” được hiểu đúng, chúng ta sẽ thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. Mỗi một người Việt Nam đều góp phần tạo nên cái “thế” đưa dân tộc trỗi dậy.
Trong lịch sử, chúng ta đã từng viết nên kỳ tích nhờ cái “thế” đại nghĩa thắng hung tàn, thì giờ đây, cái “thế” mà người Việt cần là gì?

Trong điều di huấn thứ 10 của võ sĩ đạo chân chính, huyền thoại người Nhật Bản thời Minh Trị Duy Tân, Saigo Takamori đã viết: “Nếu đường đi làm người minh bạch, tận lực vì quốc gia, cần mẫn vì gia đình thì hết thảy sự nghiệp sẽ tiến bộ theo suy nghĩ đó”.
Tức là, muốn bản thân có “thế” đứng hiên ngang, gia đình yên ấm, quốc gia hưng thịnh, thì làm người là phải tận lực theo đuổi những việc chính đáng. Muốn bản thân luôn đàng hoàng ngẩng cao đầu thì từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày cũng phải làm cho thật tử tế.
Hãy thôi tranh đoạt lợi ích vụn vặt, cỏn con như khi vượt đèn đỏ, tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Hãy thôi lườm nguýt chửi bới khi va chạm trên đường, đả kích, phán xét người khác khi chưa hiểu rõ sự tình… Hãy thôi phun đầy thuốc trừ sâu vào rau củ quả, cho lợn gà ăn quá nhiều chất kích thích tăng trưởng… Hãy dừng chạy điểm, chạy bằng, chạy chức, chạy quyền… Chỉ cần vậy thôi, cái “thế” của dân tộc chúng ta sẽ trở nên đường đường chính chính.

Người hâm mộ đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng của U22 Việt nam ở Sea Games 30. (Ảnh: Giang Huy/VnExpress)
Đừng để những nỗ lực của đội bóng rơi vào hư vô, đừng để cái khí thế dẫn dắt dân tộc bị lụi tàn. Đừng để cảm hứng SEA Games, Asiad dừng lại ở những thú vui ăn mừng nhiều tính kích thích. Hãy làm gì đó để lưu giữ và phát huy khí thế của bóng đá Việt Nam. Muốn thế, mỗi cá nhân đều phải dũng cảm, vượt qua cái đớn hèn của mình.
Dũng cảm để đổi thay, để nhìn xa hơn và sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt. Dũng cảm làm việc tốt không vì danh tiếng hay lợi lộc, bất chấp người ta nói mình gàn dở và bao đồng. Dũng cảm bảo vệ lẽ phải dù có phải đánh đổi những điều quý giá nhất của bản thân. Dũng cảm đánh thức cả những người u mê xung quanh bạn, không phải chỉ để có thêm đồng minh mà là để cứu chính họ. Dũng cảm mở rộng trái tim và trí óc để dung chứa được nhiều hơn những khác biệt và thử thách. Đó chính là Thiện tâm.
Bởi: “Nếu không có được tinh thần quyết liệt theo đuổi con đường đúng đắn dù có vấp ngã hay đất nước phải lầm than, thì không thể giao tế bình đẳng với nước ngoài” – (Di huấn thứ 17 của Saigo).
Bài viết: Trương Thanh
Ảnh bìa: Sport5, Tùng Lê/DKN minh hoạ