Ngày xưa người ta ôm bàn đèn, phê pha, bay bổng để tìm kiếm chút lãng mạn, ra dáng văn nhân. Thế cũng đã bị coi là hạng “rởm đời”, “văn nhân tìm thơ trong những chỗ tối tăm”. Ngày nay, người ta không còn chỉ dật dờ bên những bàn đèn cáu bẩn, mà còn quay cuồng với ma túy đá. Những gì theo sau toàn là những câu chuyện kinh hoàng.
Càng ngày, càng có nhiều những vụ “ngáo đá” dẫn tới phạm pháp hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Những trai tráng khỏe mạnh trở nên bệ rạc, điên cuồng và lạc vào một thế giới hắc ám khác sau khi “phê ma túy đá”. Những cô thôn nữ trong trắng trở nên thác loạn, dung tục và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình bởi “người tình” nghĩ mình là trăn tinh, quái vật 6 đầu, bị ma nhập…
Dường như sự “phê pha” của các “dân chơi” đã ngày càng được nâng cấp lên mức độ kinh hoàng hơn. Không chỉ là những chất gây nghiện tự nhiên từ cây cỏ, mà được tổng hợp từ hóa chất, thậm chí keo công nghiệp. Dân chơi sẵn sàng đánh đổi cả sức khỏe, thời gian và cả cuộc sống của mình vào một vài phút giây được lạc vào “chốn bồng lai tiên cảnh”.
Mà thật ra, chốn bồng lai đó chỉ là kẹo ngọt dẫn đường để rồi sau đó càng “phê”, những linh hồn lạc lối sẽ chỉ càng nhìn thấy nhiều yêu ma, quỷ quái.
Nguyễn Hoài Thanh (30 tuổi ở Thanh Khê) đã tưởng người yêu là quái vật 6 đầu nên sát hại cô dã man bằng một chiếc xẻng. MC kiêm ca sĩ nghiệp dư Nguyễn Hữu Chính (38 tuổi ở Hưng Yên) lại thấy bạn gái mình là con trăn tinh thè lưỡi dài đang tiêm thuốc độc vào cơ thể mình nên ra tay tàn nhẫn bằng một cái mắc áo và con dao nhọn.
Trần Đức Anh (ở Hà Nội) khống chế người đi đường vì nghĩ mình là anh hùng Lương Sơn Bạc đang hành hiệp trượng nghĩa. Và mới đây nhất, ca sĩ Châu Việt Cường trong cơn phê lại tưởng cô gái đang thác loạn với mình bị ma nhập nên ra sức nhét tỏi trừ tà vào họng dẫn tới cái chết tức tưởi của cô.
Chưa xét đến những cơn mê, giấc mộng giữa ban ngày có thể khiến người ta làm những việc ác kinh hoàng, chỉ riêng việc sử dụng thuốc lắc, ma túy đá liên tục cũng đã khiến thân thể héo mòn, hốc hác, cái thân người không còn ra hình người nữa.
“Cớ sao lại tự ý dùng thuốc độc mà mỗi ngày tự tử một ít, cho đến khi hết tiền, hết đất, làm khổ vợ con cùng cực rồi chết”
“…Thành ra một đời dài, dài mà không từng sống, một đống tuổi mà chết dần chết mòn, chết từ ngày chưa sống tí tị nào”.
Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã từng bàn về việc hút thuốc phiện như vậy từ cách đây hơn 70 năm.
Ma túy đá hay cả thuốc lắc và các loại ma túy tổng hợp khác có thể tác động đến chức năng “sinh serotonin” của não, gây thay đổi cách cư xử, tăng nhiệt độ, nhịp tim, có thể dẫn tới đột quỵ. Các chất hóa học trong ma túy tổng hợp còn làm co mạch máu, gián đoạn lưu thông máu, da mất đi độ đàn hồi, lở loét khiến con nghiện trông già đi một cách nhanh chóng.
Nguy hiểm hơn cả là nó có thể gây ra độc tính với não. Sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh tâm thần, lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.

Những người yếm thế tìm đến thuốc để quên đi nỗi đau và thiếu thốn của mình đã là một sự trốn tránh, phủi sạch trách nhiệm trả nợ đời. Những người đầy đủ, no ấm mà cũng tìm tới thuốc chỉ để được “sướng”, được vui vì chơi đủ thứ rồi mà vẫn chưa thấy “đã”. Nhưng vui chả bao lâu, thuốc phiện, ma túy chỉ hủy hoại họ và những người thân đến cùng cực của đau khổ.
“Hại cho xác thịt, hại cho nòi giống, còn đau đớn hơn nữa, thuốc phiện là thuốc giết chết chí khí”
(Trích: Trai nước Nam làm gì, Hoàng Đạo Thúy)
Cụ Thúy cho rằng “Cái nỗi nước Tàu yếu ốm trong bao lâu, một phần lớn là bị người ta rủ hút thuốc phiện”. Ở xứ ta cũng có Trương Quang Ngọc chỉ vì hộp thuốc phiện với mấy bì gạo trắng mà bán cả vua Hàm Nghi. Đến lúc bị quân của Phan Đình Phùng giết chết vì tội phản nghịch cũng là lúc y đang say sưa bên bàn đèn.
Người đã dính vào ma túy, thuốc phiện, thì cuộc đời chỉ quẩn quanh, u mê như làn khói thuốc. Làm gì còn nghĩ được tới mục đích sống cao đẹp, tới cái chí làm người cần phải có, càng chẳng thể tìm thấy niềm vui từ những điều giản đơn, thi vị và có ích hơn.

Vào cái thời nước Nam đang đứng giữa dòng chảy dữ dội của thời đại, cụ nhắn gửi con trai và những người nước Nam về triết lý sống cho xứng đáng. Trong đó, trước tiên, dù muốn làm nên nghiệp lớn, nghiệp nhỏ gì thì người ta cần phải nhớ tới gốc gác của mình rồi tới những việc cần chừa. Ngoài xa hoa, đánh bạc, trai gái, thì thuốc phiện là thứ cuối cùng cần phải chừa, thứ tuyệt đối phải tránh xa.
Ngày nay, nước Nam không còn cảnh chiến tranh, loạn lạc, nhưng vẫn đang chơi vơi giữa dòng chảy của thời đại mới. Cái “sự nghiệp” của nhiều người lại chỉ ở việc hưởng thụ sao cho khoái, cho ra dáng dân chơi.
“Cũng có người, nóng thì ngồi dưới quạt máy, lạnh thì nằm trên đệm bông, ngày năm bữa, áo đủ mùi, đi ra thì lên xe xuống kiệu, ở nhà thì kẻ dạ người hầu, mà rút cục chữ sống cũng chỉ có cái nghĩa vật chất của nó thôi.
…Cũng có kẻ sống say mê với hát, với đàn, với nhảy múa, với chơi bời. Rồi một lúc tỉnh, cuộc đời rộn rạc, cái chán nản không thể ngăn được cái giá trị nhỏ nhìn tưởng là to, mà cầu cứu ở chén thuốc hay dòng sông.
Đã đáng buồn, đã phí bao nhiêu mạng vô dụng” – (Trích: Trai nước Nam làm gì? Hoàng Đạo Thúy)
Ở thời đại nào thì cái việc ăn chơi, trác táng, say mê quá đà cũng đều chỉ là nghĩa vật chất của chữ “sống”. Sống không chỉ là để thỏa mãn lòng dục và thân xác. Cái nghĩa tinh thần của chữ sống lại chẳng mấy ai tìm kiếm để không phải hổ thẹn với Đất Trời, với người, với cả chính mình. Để được hết lòng, hết chí, để mỉm cười khi ra đi mà không nuối tiếc điều gì.
Sống đã vô nghĩa thì chết càng vô nghĩa hơn. Người ta bảo, chết thì dễ, sống được mới khó. Bởi sống không chỉ là một đặc ân, mà còn là một cơ hội để hoàn trả, để đi tìm chân lộ, để thăng thượng và trở về.
Sự an dật, hưởng thụ làm nhụt chí khí, làm suy yếu tinh thần con người ta. Đến khi chỉ vì chút việc thất chí cỏn con, cũng có thể khiến họ chẳng thể chịu nổi, oán trách không xong thì mơ tới chốn bồng lai bằng chén thuốc độc hay nhảy cầu giải thoát. Cả một đời rỗng tuếch, phí hoài.
Người lúc nào cũng mơ màng, tinh thần ảm đạm, thì mấy khi tỉnh táo để mà suy đoán, tìm tòi. Đối với sự việc nơi xã hội, trong gia đình cũng chẳng dùng đầu óc phân tích mà thấu được lẽ phải trái. Chẳng mấy mà đâm quàng, đạp bậy hoặc mê muội, bất minh.
Cách đây hơn 70 năm, hình ảnh một thanh niên nước Nam được mô tả thế này qua ngòi bút của cụ Hoàng Đạo Thúy:
“Người mạnh mà bạo. Đi thẳng không nghiêng không ngả. Rẽ làn không khí mà tiến. Con mắt đăm đăm theo đuổi một mục đích. Cái vẻ cương quyết tỏ ra rằng sẽ đi cho đến cùng. Tay mạnh mà dẻo, chân cứng mà dai, ngực thở như thu khí mạnh của thiên nhiên làm khí mạnh của mình. Màu da kia không có vẻ tươi thắm đẹp mắt, nhưng đã dạn dày với gió sương.
Người ấy ở nhà, nuôi hạnh phúc cho gia đình, cha mẹ sung sướng được con ấy, anh em chị em vui vẻ được em ấy, anh ấy, gia tộc hy vọng vào người ấy”.
Thời nào thì làm người cũng nên như vậy. Có chí khí, có mục đích sống không vị tư chỉ vì bản thân mình. Buông thả theo vòng xoáy đam mê, lạc thú không những làm tiều tụy thân thể, gây khổ sở cho người thân mà còn như uống thuốc độc từ từ. Chẳng những thuốc phiện, ma túy, mà những cuộc chơi thác loạn với bia rượu, shisha.
Những đam mê quá đà, những canh bạc đỏ đen đặt cược cả cuộc đời. Đó đều là con đường êm ái dẫn đến cái kết u tối đã được báo trước, đôi khi là cả cái chết, nhưng là một cái chết vô ích, phí hoài. Là đắc tội chứ không phải là giải thoát.
Trương Thanh