Việt Nam là nước có nền văn minh khá sớm với 4000 năm văn hiến, được coi là một trong những nền văn minh Á Đông khá lâu đời và rực rỡ. Các triều đại trong lịch sử đều ý thức được: ‘Hiền tài là nguyên khí quốc gia’ nên vấn đề đào tạo, sử dụng nhân tài đều được coi trọng đặc biệt.
Năm 1075, nhà Lý tổ chức kỳ thi đầu tiên. Sau đó, khoảng cách giữa những khoa thi thường là 12 năm, rồi đổi thành 7 năm. Đến năm 1435, vua Lê Thái Tông sửa lại là 6 năm một kỳ. Nhưng đến năm 1466, Lê Thái Tông đổi lại là 3 năm một kỳ. Lệ thi này sau đó kéo dài tới cuối thời Nguyễn.
Cho đến thời điểm hiện tại, những con số thống kê cho thấy Việt Nam đã tự đào tạo được số lượng lớn tiến sỹ đáp ứng cho nhu cầu nghiên cứu phát triển đất nước. Theo thống kê của Bộ KH-CN, hiện nay cả nước có 24.300 tiến sĩ, bao gồm cả đào tạo trong và ngoài nước. Về tình hình các trường đại học trong nước tự đào tạo tiến sỹ, có một số số liệu đáng chú ý.
Theo số liệu thống kê chính thức của Vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT thì trong vòng 10 năm giai đoạn 2001 – 2010, cả nước mới đào tạo được hơn 4000 tiến sĩ. Như vậy mỗi năm các trường đại học, học viện trong nước đào tạo được 400 tiến sỹ. Còn giai đoạn 2010-2016, cả nước đã đào tạo thêm được 10.000 tiến sĩ, tức mỗi năm đào tạo được 1.667 tiến sỹ.
Trong lịch sử, theo các sử liệu ghi chép còn sót lại thì giai đoạn triều Hậu Lê và nhà Mạc từ 1442-1789, trong thời gian 347 năm thi cử lựa chọn được 1304 tiến sỹ, tức mỗi năm ra đời 4 tiến sỹ (làm tròn).
Giai đoạn nhà Nguyễn bắt đầu khoa thi đầu tiên năm 1822 đến khoa cuối cùng năm 1919, trong 97 năm thi cử lựa chọn được 293 tiến sỹ, tức trung bình mỗi năm 3 tiến sỹ.
Nếu so sánh các triều đại phong kiến trung bình mỗi năm có 3 – 4 tiến sỹ, thì hiện nay mỗi năm đào tạo được 1.667 tiến sỹ quả đúng là con số khổng lồ.

Tuy so sánh là khập khiễng, nhưng có thể thấy, số lượng tiến sỹ ngày càng đông đảo như hiện nay không đồng nghĩa với vị thế văn hóa và sức mạnh quốc gia. Suốt các thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, và đến cả thời Pháp thuộc, khắp vùng Đông Nam Á, nước ta luôn ở vị thế số 1 về văn hóa và sức mạnh quốc gia. Hiện nay chỉ có thể nói là ở nhóm giữa các nước Đông Nam Á mà thôi.
Đặc biệt, mới đây, trong cuộc rà soát cuối cùng về đợt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, kết quả cho thấy có 41 ứng viên không đạt chuẩn hoặc tự nguyện xin rút khỏi danh sách xem xét. Trong danh sách ấy, có nhiều người đang là quan chức của các bộ, ban, ngành…
Như vậy việc học hành, thi cử, đào tạo, sử dụng nhân tài của Việt Nam đang có nhiều bất cập. Nhìn việc nay, xét việc xưa vì không có cổ thì ắt chẳng có kim, chúng ta thấy có một số vấn đề sau:
Mục đích việc học: Người xưa học vì mình, người nay học vì người
Xưa người đi học là xuất phát từ nội tâm, lập chí hướng tế thế độ nhân, trị quốc bình thiên hạ, nên họ tự coi đó là sứ mệnh phải thực hiện, nên dốc sực học tập, tu dưỡng để thành người đủ phẩm đức (ngũ đức: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín), mới có thể thực hiện được sứ mệnh đó.
Cho nên người đi học sẽ bắt đầu bằng học hiếu đễ với cha mẹ anh em, và yêu thương mọi người, gần gũi với những người nhân đức để học hỏi họ, làm được những điều trên rồi mà vẫn dư sức, dư thời gian thì lúc đó mới học văn (kinh sử, thuật loại, nghệ thuật…). Tiêu chuẩn làm người thời xưa là đức hạnh, mà rèn luyện đức hạnh thì bắt đầu từ chữ hiếu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu).
Mục tiêu học là vì mình, để bản thân mình đủ nhân đức và tài năng tế nhân độ thế. Mục đích này đã được chỉ rõ trong câu đầu tiên của sách ‘Đại học’: “Cái đạo của việc học rộng là để làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, để đổi mới cho người dân, khiến người dân đạt đến chí thiện”.
Với mục tiêu cao đẹp, trong sáng, vị tha, vì cộng đồng, vì nhân quần, quốc gia xã tắc như thế, nên người đi học xưa đại bộ phận đều có cốt cách thanh cao, tiết tháo, và tự coi mình có sứ mệnh vì nhân dân, vì khai sáng người dân và tạo phúc cho nhân dân. Thế nên, họ thấy việc nghĩa thì dũng cảm lao vào làm, thấy việc nhân thì tự mình thực hiện, không cần đắn đo thành bại ra sao, vì “Không thành công cũng thành nhân”.
Các trí thức xưa coi trọng tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh. Thế nên Đào Uyên Minh ‘không vì 5 đấu thóc mà khom lưng’, về núi Chung Nam tự khai hoang cày cuốc sinh nhai, sống cuộc đời tuy nghèo nhưng an nhiên tự tại. Còn Chu Văn An dâng ‘Thất trảm sớ’ làm trong sạch triều đình, diệt trừ lũ gian tà hại nước hại dân, không được vua chấp thuận, đã từ quan về dạy học, đào tạo ra hàng loạt nhân tài, nối chí ông giúp dân giúp nước.

Ngày nay đáng buồn là chính người đi học cũng không biết mục đích để làm gì, hoặc học để sau này ‘thành đạt’. Mà ‘thành đạt’ thời nay có nghĩa là kiếm được nhiều tiền, lấy tiền tài vật chất làm mục tiêu đi học, làm tiêu chuẩn đánh giá thành công.
Khi xã hội lấy tiền tài làm tiêu chuẩn giá trị con người, giá trị nhân sinh thì cả xã hội xoay quanh đồng tiền, đi học, đỗ đạt để làm quan phát tài. Muốn làm quan, muốn giữ ghế lại đặt ra điều kiện có bằng cấp. Và khi từ học sinh cho đến các tầng lớp xã hội đều không chú trọng đề cao tiêu chuẩn đức hạnh, thì ắt sẽ sinh ra nạn mua bán bằng cấp, bằng thật thi giả, mua điểm thi, học giả thi giả.
Với những người học thật, thi thật, thì cũng vì mục đích lấy bằng để có vị trí tốt trong xã hội. Rất ít người học vì để nâng cao phẩm chất đạo đức, trau dồi tài năng bản thân với sứ mệnh ‘để đổi mới người dân, khiến người dân đạt đến chí thiện’.
Trẻ em đi học, cũng không được giáo dục sứ mệnh cao cả của người trí thức xưa ‘trị quốc, bình thiên hạ’, nên không biết ‘tu thân, tề gia’. Do đó, trẻ em nay học vì kỳ vọng và áp lực của bậc phụ huynh, của thầy cô. Cũng có em có động lực học, thì cũng là để sau này thành công, thành đạt, có vị thế xã hội, và cũng chỉ biết học để lấy kiến thức, các kỹ năng cạnh tranh, vượt qua các kỳ thi
Như vậy, mục đích, mục tiêu của việc học đã sai lệch, từ mục đích vì xã hội, vì văn minh, vì chí thiện của người dân, đã rơi rớt xuống thành mục đích cá nhân, đạt được danh, lợi cá nhân. Từ mục tiêu cao cả vì khai sáng văn minh và hạnh phúc cho mọi người dân, đã tụt xuống mục đích thấp kém tự tư tự lợi. Nói theo cách người xưa thì, xưa học làm quân tử, nay học làm tiểu nhân. Bởi “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (Người quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ tư lợi).
Xưa đi học đỗ đạt làm quan, nay làm quan rồi mới đi học lấy bằng cấp
Nho gia xưa cho rằng: “Sỹ nhi ưu tắc học, học nhi ưu tắc sỹ”, làm quan tốt rồi, bách tính yên vui, ăn cư lạc nghiệp rồi, dư sức, dư thời gian rồi, thì mới học. Và học trò học tốt rồi, đạt đủ tiêu chuẩn nhân đức, tài năng rồi thì mới ra làm quan.
Ngày nay thì ngược lại, rất nhiều người làm quan rồi mới học bổ túc cấp 3, đại học, rồi tiến sỹ, trong khi những việc họ quản lý chưa được coi là đã làm tốt. Nơi nào còn có dân sống cực khổ, khiếu kiện, chưa an cư lạc nghiệp, thì trách nhiệm làm quan vỗ yên bách tính chưa hoàn thành.
Các quan ngày nay đua nhau đi học, nhìn bề ngoài thì có vẻ là tốt, ham học, để làm việc tốt hơn, có trình độ cao hơn, nhưng thực tế thì trái lại. Quan chức nước ta bằng cấp cao khá nhiều so với các nước khác trên thế giới, nhưng chưa bao giờ đội ngũ công chức nước ta được thế giới đánh giá cao, nếu không muốn nói là luôn bị người dân kêu ca phàn nàn kém hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.
Hầu hết các lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ TS (tiến sỹ).
Cải cách giáo dục: Đề cao đức dục
Mấy chục năm qua, chúng ta liên tiếp cải cách giáo dục, nào là đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp… tất cả đều chạy loanh quanh ở cái vỏ ngoài của giáo dục, mà chưa đi vào cốt lõi “dạy người ta làm người đích thực”. Có nghĩa là, giáo dục con người thành ‘người quân tử’. Người quân tử vì đại nghĩa, kẻ tiểu nhân vì tư lợi. Giáo dục cần quay về với cội nguồn truyền thống, dạy con người sống chân thật, thiện lương trước, rồi sau đó mới đào tạo văn hóa, tri thức khoa học, kỹ thuật, kỹ năng.
Thời đại đã thay đổi, không thể bê nguyên cách thức, chương trình giáo dục thời xưa vào ngày nay được, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng tinh thần, mục đích giáo dục xưa cho thời này: Đào tạo con người có lòng nhân ái, biết liêm sỉ, và chịu trách nhiệm với bản thân, với xã hội, trước khi truyền thụ tri thức. Và khi sử dụng nhân tài thì lấy tiêu chuẩn nhân đức là điều kiện tiên quyết, vì “Chỉ người nhân đức mới nên ở ngôi vị cao, kẻ bất nhân mà ở ngôi vị cao là gieo rắc cái ác, cái xấu của họ cho mọi người”.
Nam Phương