Phải nói rằng, tháng 11 là ‘tháng của những cái bạt tai’: Từ nhà trường cho tới phi trường, những cái bạt tai vô lý đã làm chấn động toàn xã hội. Ấy vậy nhưng phản ứng của dư luận trước vấn nạn này còn khiến người ta giật mình hơn khi thấy nhãn tiền một tương lai ‘đầy bạo lực’.
“Bắt cô giáo đứng cho học sinh tát trả lại 230 cái vào mặt”, “Là con tôi thì tôi cho cô giáo lãnh đủ”, “Tống mấy thằng đó vào tù cho hội anh chị trong đó dạy nó một bài học”, “Gặp mấy thằng này ngoài đường thì chém luôn”… Đó là bình luận của rất nhiều độc giả trước vụ việc cô giáo bắt 23 học sinh tát vào mặt bạn mình hay việc một nhóm thanh niên tấn công nhân viên mặt đất tại Cảng hàng không. Phản ứng tương tự cũng xảy ra khi nhiều vụ bạo lực bị phanh phui trên các mặt báo. Tuy đó không phải là tất cả những gì người ta bình phẩm, nhưng lại là luồng dư luận chủ đạo.
Tuy nhiên, nếu đồng tình với quan điểm ‘dùng bạo lực để khuất phục bạo lực’ nói trên, thì chẳng phải chúng ta đang vô tình xây dựng thứ văn hóa bạo lực trong cộng đồng hay sao?
‘Bạo lực trị bạo lực’: tốt xấu lẫn lộn, nhân tính suy đồi
Phải chăng chúng ta có quyền gây bạo lực với những kẻ xấu xa, độc ác, và với những kẻ đang đe dọa sự an nguy của mọi người? Kỳ thực, đây chỉ là một cách ngụy biện: lấy kết quả để biện minh cho phương tiện. Răn đe cái xấu là điều nên làm, nhưng lặp lại cái xấu lại là một cách làm sai lầm.
Cô giáo bắt học sinh tát bạn là xấu, cô giáo tát học sinh là xấu, đàn ông tát phụ nữ cũng là xấu. Thế thì ngược lại, học sinh tát lại cô giáo, phụ huynh đánh cô giáo, người thấy chuyện bất bình lao vào đòi trừng phạt, ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ với nhóm thanh niên ở phi trường thì có phải là việc tốt hay không? Tất nhiên là không!
Rõ ràng cái suy nghĩ “lấy vũ lực để trị vũ lực” đã làm lẫn lộn giữa tốt và xấu, đảo ngược giữa đúng và sai, khiến ai ai cũng dễ có thể trở thành ‘kẻ côn đồ’. Điều ấy trái ngược hoàn toàn với những giá trị đạo lý lâu đời nhưng không hề cũ kỹ của cha ông ta, như: “Thương người như thể thương thân”, hay “tôn Sư trọng Đạo”. Chỉ vì trừng trị kẻ ác mà ta có thể tự cho mình quyền được phá vỡ các giá trị đạo đức truyền thống hay sao? Đó là cái lý, cái dũng của kẻ thất phu!
Khi nhận thức của con người bị biến đổi, từ “nhân chi sơ tính bản thiện” sang “kẻ thích nghi thì sống”, đã làm cho xã hội ngày càng rời xa những chân giá trị của chữ Thiện.

Và khi nghĩ rằng người khác sai thì ta có quyền trừng phạt, bạn có thể sẽ mắc vào cái bẫy của quan niệm biến dị về đúng – sai, rồi vô tình hùa theo cái ác và mất đi nhân tính của mình. Ví như trong thời ‘Cách mạng Văn hóa’ ở Trung Quốc, để phá bỏ “tứ cựu”, người ta đã thực hiện những chiến dịch như: phê phán Khổng Tử và sỉ nhục giáo viên, chỉ vì họ coi “tôn Sư trọng Đạo” là thứ văn hóa cũ kỹ. Kết quả là, tất cả các chuẩn mực đạo đức cơ bản của truyền thống nhân loại suốt 5.000 năm đã bị xóa sạch khỏi tâm trí của thế hệ trẻ.
“Một ngày là thầy, trọn đời là cha”, nhưng thời đó các học sinh trong một trường trung học thuộc Đại học Bắc Kinh lại làm nhục nữ hiệu trưởng của mình bằng cách cắt lởm chởm mái tóc của cô. Sau đó, các em đánh vào đầu cô cho đến khi máu phun ra rồi bắt cô quỳ xuống và bò trên mặt đất. Nhưng bi kịch vẫn chưa dừng lại, học sinh lại bắt cô phải gõ lên chiếc chậu đã vỡ và la lớn lên để nhận tội, chỉ vì cô là… “một phần tử xấu”!
Ngày 5 tháng 8 năm 1966, cô giáo Biện Trọng Vân của Trường Trung học Nữ thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã bị các nữ sinh của mình lôi đi chế giễu khắp phố. Cô phải đội một chiếc mũ lừa cao làm bằng giấy, mặc quần áo vấy đầy mực đen, đeo lên cổ một chiếc bảng đen ghi những lời sỉ nhục, còn đám đông học sinh thì reo hò và vỗ vào chiếc trống làm từ thùng rác. Cuối cùng, cô bị bắt phải quỳ trên mặt đất, bị đánh bằng chiếc gậy có đóng đinh lởm chởm và bị đổ nước sôi lên người.
Đó là cách mà những ‘mầm non tương lai’, ‘chủ nhân của đất nước’ đối xử với người thầy của mình. Hành động của các em là hậu quả trực tiếp khi các giá trị đúng – sai, tốt – xấu đã bị đảo lộn hoàn toàn. Vì thế các em đã không nhận ra việc làm ấy là đáng ghê tởm, nếu không muốn nói rằng đó chính là tội ác.
Khi con người ảo tưởng rằng “bạo lực có thể khắc chế được bạo lực”, thì những giá trị đạo đức và lễ nghĩa trong xã hội truyền thống sẽ bị phá vỡ. Ranh giới đúng – sai, tốt – xấu sẽ bị xóa nhòa và đó là lúc nhân tính bị hủy hoại nghiêm trọng.

Khi niềm tin không còn
Có ý kiến cho rằng con người dùng bạo lực là vì họ quá bất lực và tuyệt vọng, nên mới không còn sự lựa chọn nào khác. Nhưng ‘dùng bạo lực để trừng phạt bạo lực’ lại là chuyện khác. Chính vì không tin vào nhân quả báo ứng, người ta mới nghĩ đến chuyện thay Trời trừng phạt kẻ đã gây tai họa cho mình. Và cũng chính vào lúc đó, họ đã xé toạc ranh giới mong manh của thiện – ác, tốt – xấu, vì để trừng phạt kẻ xấu mà đã biến mình thành người xấu.
Nếu không ai tin rằng cái ác sẽ có lúc phải trả giá, thì mỗi chúng ta cũng sẽ chẳng sợ gì mà không làm điều ác. Việc dùng cái xấu để trừng phạt cái xấu chính là sự phủ nhận trực diện nhất sự tồn tại của cái tốt. Trong những tình huống như thế, cái tốt dễ bị bất lực và chịu đầu hàng.
Những nền tảng đạo đức cổ xưa đều khuyên con người nên nhân ái bao dung. Ở phương Tây, Phúc âm Matthew ghi lại lời Chúa Jesus giảng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” – (Matthew 5:43-44).
Còn ở phương Đông, trong Kinh Trung Bộ có câu chuyện kể về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Một ngày, Đức Phật đang đi trên đường thì gặp tên cướp tên là Angulimala (Vô Não). Tên cướp vừa nhìn thấy bóng dáng vị sa môn liền cầm đao đuổi theo, nhưng dẫu y có dốc hết sức lực cũng không thể bắt kịp vị sa môn đang bình thản bước đi ấy. Tên cướp không biết làm cách nào, bèn gọi với theo: “Ông sa-môn, hãy đứng lại!”. Đức Phật từ bi đáp lại: “Như Lai đã dừng lại từ lâu, còn ngươi, sao không dừng lại?”. Câu nói tràn đầy tình thương của Ngài đã chạm đến chân tâm vẫn còn le lói chút thiện lương của kẻ sát nhân Vô Não, khiến anh ta bừng tỉnh, lập tức buông đao phục thiện.

Ở Trung Quốc có bộ môn khí công cổ xưa, thực hành theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Những người tu luyện trong bộ môn này luôn đề cao các giá trị đạo đức, sống chân thành, thiện lương, bao dung, và nhẫn nại. Khi đối mặt với cuộc đàn áp bằng gông cùm, xiềng xích, và đao súng của ĐCSTQ, họ vẫn lặng lẽ, ôn hòa, dùng thiện tâm để đối đãi. Và trong gần 20 năm mưa gió của cuộc đàn áp, họ vẫn kiên nhẫn thể hiện vẻ đẹp nội tâm của người tu luyện, đồng thời nói rõ sự thật về cuộc bức hại thông qua các phương tiện truyền thông. Cuối cùng, họ đã chứng minh một chân lý: Bạo lực không thể đàn áp được người tốt, và bạo lực cũng chẳng phải là cách duy nhất để đẩy lùi kẻ xấu. Chỉ có dùng thiện tâm, nhẫn nại, và lòng từ bi vô hạn mới có thể giúp cái đẹp thăng hoa, và khiến người xấu được cảm hóa. Khi “người xấu” tự quy chính bản thân và trở nên thiện lương, thì một cách tự nhiên, cái xấu cũng không còn nữa.
Việc giáo huấn cho con người thấy tác hại của bạo lực bằng sự từ bi và trí tuệ trong sáng có thể sẽ không biểu hiện ngay kết quả trực diện và khiến ta hả hê như khi trừng phạt họ bằng bạo lực. Nhưng đó mới là cách bền vững và triệt để nhất để tiêu trừ bạo lực từ gốc rễ. Còn dùng bạo lực đáp trả lại bạo lực, thì cũng chẳng khác nào việc tự biến mình thành những “Chí Phèo” để đánh trả “Chí Phèo”.
Mọi tội lỗi và sai lầm của con người đều xuất phát từ sự vô minh. Vô minh không thể được đẩy lùi bởi vô minh, mà cần có bàn tay vén mở bức màn tăm tối. Bởi bản chất loài người là thiện lương, hãy quay trở về với cách nhìn nhận như vậy, để tin người, tin mình và trở nên sáng suốt.
Thuần Dương