Câu chuyện của ông bố hai con…
Bà mẹ trẻ đang đèo con qua cổng trường cấp 1, một “Ninja” đi SCR từ đằng sau phóng vút lên va vào xe bà mẹ trẻ. Ninja dừng lại tháo khẩu trang và lớn tiếng trách cứ: “Đang đi thì chậm hẳn lại thế ai mà tránh được!”.
Bà mẹ đỡ xe dậy và quay qua cô Ninja: “Xin lỗi chị nhé! Chị có sao không?”.
Cô Ninja kéo khẩu trang lên và đi tiếp mà không nói lại một lời nào.
Bé con hỏi: “Sao mẹ lại phải xin lỗi cô ấy ạ? Cô ấy đâm vào mình cơ mà. Chỗ này đông xe thì phải đi chậm lại là đúng rồi còn gì”.
Bà mẹ trẻ cười vui vẻ nói: “Mẹ chọn việc xin lỗi thay vì thanh minh vì như thế nhanh hơn. Đỡ mất thời giờ, mà họ cũng không bực bội, mình cũng chẳng phải nói lại điều mình biết rồi – rằng tôi đi chậm là vì chỗ này đông, thế nọ… thế kia…”.
“Nhưng mà rõ ràng cô ấy sai mà, quá đáng thế cơ chứ!”, cô bé vẫn hậm hực.
Bà mẹ trả từ tốn giải thích: “Mình chỉ có thể chọn những gì mình làm được thôi, không thể chọn việc khiến người ta nhận lỗi và nói năng nhẹ nhàng với mình được. Cáu và sai là việc của họ, còn vui vẻ và chọn không để cảm xúc của mình bị chi phối là việc của mình con ạ!”.
Ông bố hai con đứng ở cổng trường chứng kiến sự việc, cũng bất giác tự nói với mình: “Lúc sáng, bà sếp ngoa ngoắt nói xa xả vào mặt mình về cái báo cáo chưa đúng ý bà ấy. Mình cũng có thể lựa chọn khác thay vì tức đến không nuốt được bữa cơm trưa toàn món yêu thích vợ làm cho mang đi cơ mà nhỉ”.

Một thời gian sau, vẫn ở cổng trường đứng đợi vợ đón con ra, ông bố hai con lại thấy bà mẹ trẻ và cô con gái mũm mĩm.
“Hôm nay Quang Hưng trêu con, gọi con là quả bí ngô, con không thích tên đấy nhưng con không khóc nhè như lần trước nữa mẹ ạ!”.
“Thế à, Chi Mai hôm nay giỏi quá!”.
“Tại vì con nghĩ là, nước mắt là của con, con không nên để nó bị kiểm soát bởi người khác. Cái mặt xinh đẹp này cũng là của con, con cũng không cần phải nhăn nhó vì lời của bạn ấy, mẹ nhỉ?”, “Hôm nay con đã chọn không bực tức, bởi vì con không thể chọn việc bạn ấy ngừng trêu con được mà!”.
***
Ông bố hai con hôm nay rảnh rang đi ăn phở khi mấy mẹ con đi chơi xa với cơ quan. Đang xì xụp húp nước dùng nóng hổi béo ngậy kèm hành lá thanh thanh, bỗng ông bố hai con giật mình suýt đánh rơi cái thìa bởi tiếng quát: “Mày thái độ gì đấy?” từ bàn bên cạnh.
Vội vàng xác định nguồn xuất phát ra âm thanh đầy phẫn nộ, ông bố thấy ông khách bàn bên đang trợn mắt, vươn thẳng người, một tay chống bàn, một tay chỉ thẳng anh chàng chạy bàn tiếp tục la lối.
“Làm dịch vụ mà thế à, gọi đồ 3 lần không một câu xác nhận hay trả lời. Hỏi mãi mới mang ra, rồi lẳng bát phở lên bàn làm bắn hết cả nước nóng vào con bé”.
“Làm chậm thì tao giục có gì sai mà mày thái độ thế hả? Gọi chủ quán lên đây!”.
Mặc cho cậu phục vụ đã bớt “thái độ” và miễn cưỡng xin lỗi, ông khách vẫn nằng nặc đòi chủ quán phải xử lý chuyện “bất công” này.
Mãi ông bố hai con mới nhớ ra mà quay trở lại thưởng thức nốt bát phở của mình. Đang tập trung, ông lại giật mình lần nữa.
Cô bé gái con ông khách ra về cùng bố và buông một câu đủ to để ông bố hai con tưởng rằng đang nói mình: “Mất dạy!”.
Rồi đến câu thứ hai của cô bé, ông bố hai con mới hiểu ra vấn đề không liên quan đến mình: “Thề không bao giờ ăn quán này nữa, bố nhỉ!”.
Tối đó, ông bố hai con nói chuyện nghiêm túc với vợ: “Bây giờ mình nói gì, làm gì trước mặt các con cũng phải để ý, kiểm soát em ạ”.

***
Mấy ngày sau, ông bố hai con đọc báo thấy đâu đâu cũng ngập tràn câu hỏi “Quỳ hay không quỳ?”. Có vị phụ huynh nào đó xót xa, tức tối vì con mình bị phạt quỳ gối. Chắc cái quỳ đó phải kinh khủng lắm trong mắt ông, là sự sỉ nhục và có thể ảnh hưởng tới tâm lý, sự tự tin và tương lai con mình.
Chuyện, bố mẹ ai chẳng xót con! Có quỳ thì nó chỉ nên quỳ gối mà rửa chân, tỏ rõ lòng hiếu thuận với bố mẹ nó thôi chứ. Để cho công bằng thì cô giáo kia cũng phải quỳ cho biết cái nhục, cái đau của việc quỳ. Chà, to chuyện rồi đây, ông bố hai con chợt nghĩ.
Nhưng bất giác lại có một so sánh, ngày xưa Hàn Tín chịu nhục chui háng một kẻ “ất ơ” chẳng quen biết ngoài đường rồi sau này trở thành đại tướng quân lừng lẫy. Tôn Quyền cũng vì chữ Nhẫn mà giành chiến thắng ở Xích Bích, nhẫn nhục xưng thần với Tào Phi để đổi lấy cơ nghiệp bền vững, quốc thái dân an. Vì thế ông cũng là một trong những bậc đế vương tại vị lâu nhất, sống thọ nhất trong thời Tam Quốc. Đây mới chính là nụ cười thực sự cuối cùng của người đại nhẫn có tầm nhìn xa trông rộng.
Có câu: “Nhẫn được vạn sự phiền, nhận được vạn sự yên”. Người có tâm nhẫn nại có thể khống chế được bản thân, bảo trì hòa khí. Cổ nhân cũng thường nói: “Mỗi khi gặp chuyện đại sự mà có được tĩnh khí, giữ tâm không phiền không loạn, đây ắt phải là người có tâm nhẫn nại”.
Khi gặp việc lớn, việc nguy hiểm, cấp bách, thì oán trời, trách đất, hận người, ngay lập tức đòi công bằng không phải là cách. Chỉ có tĩnh khí, bình tâm suy xét, thận trọng xử lý mới là đạo lý căn bản. Nếu tâm loạn, việc ắt rối, phá hỏng đại cục, trăm sự đều tan. Thế nên mới có câu “Người có tâm đại nhẫn ắt thành đại nghiệp”.

Nghĩ mới thấy đúng quá, bác phụ huynh kia mà có được chút tĩnh khí, không nổi đóa mất kiểm soát mồm miệng, thì cô giáo đã không phải quỳ. Chuyện đã không vỡ lở mà nguy hại đến cả thanh danh, sự nghiệp của bác. Người có tâm đại nhẫn, đối đãi với người sẽ độ lượng, bớt gây hiềm khích mà chuốc vạ vào thân.
Ông bố hai con cũng chẳng thể biết được nội tình sự việc nó ra làm sao. Ai đúng ai sai, cái đó cũng chẳng thể qua mấy bài báo trên mạng mà biết được. Chỉ tiếc cho bác phụ huynh xót con quá mà thành mất bình tĩnh. Cứ như bà mẹ hai con, chọn một lựa chọn nhanh gọn và đỡ tổn hại đến cả tâm lẫn thân cho chính mình và cho người khác thế lại hay.
Mà bác chọn làm tới cùng, tới cho ra ngô ra khoai như ông bố ở tiệm phở thì chưa nói tới việc chuyện thành to tát như bây giờ, con cái bác chắc cũng ít nhiều sẽ có tư tưởng như cô bé ở tiệm phở kia.
Ông bố hai con cũng chẳng hiểu rõ sự đời, chỉ nhận thấy Nhẫn không hẳn là không phân biệt đúng sai, vô nguyên tắc mà cứ chịu nhục cho qua chuyện. Nhẫn là ở phương diện của cá nhân, khi đối diện đúng sai đương nhiên vẫn phải giữ chính nghĩa, bảo vệ chân lý. Thế nhưng coi nhẹ lợi ích cá nhân, coi nhẹ cái tôi, không tranh giành, đòi công bằng, mà hòa ái giảng rõ, khoan dung lấy Thiện đãi người.
Con người ai chẳng thích mật ngọt, người ta dễ bị cảm hóa bởi Thiện tâm hơn là chịu khuất phục bởi lời giáo huấn, phê phán, chỉ trích. Nhẫn là để giảm bớt xúc cảm bị đẩy mạnh bởi cái tôi, dùng chân lý, lẽ phải để bình tĩnh đối với người. Thế thì người sẽ nghe và hiểu. Nếu ngược lại, người cũng sẽ dùng nộ khí, uất ức, hơn thua mà nói với ta. Thế thì sự việc chẳng bao giờ được giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý.

Dù sao thì ông bố hai con cũng không có ý định xem bác phụ huynh với cô giáo ai đúng, ai sai ở điểm nào. Càng không muốn nghĩ tới cả hệ thống giáo dục to tát. Ông bố chọn cách lấy mình làm gương, từ nay phải sống cho ra dáng một ông bố, muốn con mình sau này tốt đẹp ra sao thì chính là từ mọi việc mình làm bây giờ.
Đối nhân xử thế, lời ăn tiếng nói đều là phương tiện dạy con trực quan, hiệu quả nhất. Mong là sau này hai đứa lớn lên, trở thành người có tĩnh khí. Có nên đại nghiệp hay không chắc chưa biết được, nhưng ít nhất là chúng nó không tự mua dây buộc mình. Không tự làm hại cơ thể mình vì cơn lên huyết áp mỗi khi có tranh chấp với ai như bố nó.
Còn ông bố, từ hôm nay cũng phải biết cách lựa chọn cho đúng mới được. Chọn từ những thứ mình có, không chọn từ những thứ người khác có.
Trương Thanh