Vì bị nghi ngờ bắt cóc bé T.T.M (14 tuổi), anh Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi) bị người dân xã Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam đánh hội đồng đến mức mặt biến dạng. Câu chuyện đang gây xôn xao dư luận. Rất nhiều người đang cảm thấy trăn trở hơn bao giờ hết trước thực trạng bạo lực tràn lan trong xã hội.

Đánh người thương tật nặng chỉ vì “nghi”

Anh Tuấn bị đánh đến mức xương gò má, xương mũi, xương quai hàm bị gãy, toàn bộ răng bị gãy, gãy xương ngón tay, toàn bộ nội tạng bị tổn thương. Nhìn bức hình khuôn mặt anh sưng húp, thâm tím, miệng he hé cho thấy mấy cái răng đã bị gẫy, một mắt bị chấn thương nhắm nghiền có băng bông bên mí mắt, mắt kia cũng chỉ có thể mở he hé, trên phim X-quang, các vết gãy dài xương mặt, xương mũi, xương hàm, nhiều người không khỏi ngậm ngùi thương cảm, xót xa và cay cay nơi khóe mắt.

Thê thảm hơn là anh đang sống một mình chăm sóc người mẹ già quanh năm bệnh tật tuổi ngoài 80. Giờ anh thân tàn ma dại, chưa biết bao giờ bình phục, mà cũng khó hoàn toàn hồi phục sức khỏe như trước, nửa đời còn lại là những ngày dài sống trong thương tật. Còn mẹ anh, như chiếc lá sắp rời cành, liệu có chịu nổi có sốc lớn như thế này không?

Bắt đầu vì một bức ảnh và tin tức trên mạng

Sự việc bắt đầu từ chiều ngày 19 tháng 2, trên mạng xã hội đăng bức ảnh bé M ngồi sau xe máy một người đàn ông với thông tin bé bị bắt cóc. Khoảng 20 giờ cùng ngày, mạng xã hội lại xuất hiện một clip với hình ảnh người đàn ông được cho là bắt cóc M đang bị đánh hội đồng.

Trước hết là người người đưa tin lên mạng, không suy xét, cân nhắc đã chụp ngay cho cái mũ “bắt cóc”, rồi mọi người cứ thế lan truyền nhau thông tin “bé M bị một người đàn ông đi xe máy bắt cóc”.

Nhìn bức hình bé ngồi sau xe khá thoải mái, hơi cách xa thì có thể thấy bé không bị cưỡng ép, đe dọa. Hai người tỏ ra khá xa lạ và giữ khoảng cách. Nên nếu chỉ quan sát, suy nghĩ một chút sẽ phát hiện ra không phải bắt cóc.

Nhưng khi tin “bắt cóc” lan truyền đã gây kích động nhân tâm, khiến cho sự việc đau lòng xảy ra. Do đó, đăng tin, lan truyền tin trên mạng mà không suy xét thì chính là vô tình gây ra tội ác mà không tự biết.

Trường hợp gây thiệt hại lớn hoặc vụ việc có tính nghiêm trọng thì những người này không tránh khỏi bị xem xét trách nhiệm pháp luật. Còn không bị pháp luật hỏi tới thì họ cũng đã tạo cái nghiệp khá lớn rồi, đã phạm vào cả 4 nghiệp ác của khẩu nghiệp.

Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt.

Người xưa nói, bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra. Tai họa này cũng chính từ tin thứ thiệt. Cái họa được nhân lên do lan truyền, bình luận trên mạng và ngoài đời, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn… đã tạo ra sự uất hận của hàng nghìn hàng vạn người.

Cái uất hận đó đã khiến hàng trăm người dân mụ mẫm đầu óc, dồn uất hận vô lý vào thân người đàn ông vô tội.

Chỉ nghe thông tin một chiều, hàng trăm người xông vào ẩu đả. (Ảnh: NLĐ)

Loạn là do người thi hành luật không hiểu luật

Báo Thanh Niên đưa tin “Khoảng 19 giờ cùng ngày, anh Tuấn chở M về gần xã Hợp Lý thì có người nhìn thấy và yêu cầu anh Tuấn về UBND xã để làm rõ vụ việc. Tại đây, anh Tuấn bị người dân đánh bị thương, tuy nhiên, M khẳng định trong thời gian anh Tuấn đưa đi mua bóng bay không bị đe dọa hoặc bị xâm hại gì”.

Như vậy có thể thấy, anh Tuấn bị đánh ở ngay UBND xã, trong khi có mặt cả bé M, bé khẳng định việc bé dẫn anh Tuấn đi mua bóng bay, và không bị đe dọa hay xâm phạm.

Có lẽ do cái tin “bắt cóc” lan truyền với những thêu dệt khiến cho người dân mụ mị đầu óc, nên không nghe lời giải thích của những người trong cuộc. Trong tâm họ lúc đó chỉ có ngọn lửa thù hận đang ngùn ngụt cháy, nên chỉ một người hô đánh thì cả trăm người xông vào ngay.

Giả sử thực sự đây là vụ bắt cóc, thì riêng hành vi đánh người, hành hung người đã là phạm tội, là phạm luật rồi, là có thể bị pháp luật xử lý rồi.

Nếu anh Tuấn bắt cóc thật, thì tội của anh sẽ do luật pháp trừng trị, không ai có quyền xâm phạm thân thể của người khác, cho dù là tội phạm.

Hơn nữa, đã có bé M khai xác nhận thì cái tội đánh người vô cớ gây thương tích nặng như thế này không phải là nhỏ. Người dân đã không hiểu luật mà vô ý phạm tội. Rồi đây các cơ quan chức năng sẽ làm rõ, và họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật những gì họ đã làm.

Anh Tuấn với thể trạng yếu tại viện. (Ảnh: ANTT)

Nhưng có điều không thể hiểu nổi là anh Tuấn và mọi người cùng đi lên UBND để giải quyết, có nghĩa trước khi vào UBND xã anh không bị đánh, dù đang bị nghi ngờ bắt cóc. Lẽ nào vụ việc xảy ra do người có liên quan ở UBND xã đã xử lý sai gây ra. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ làm rõ ai khởi đầu gây ra vụ đánh hội đồng này.

Cứ cho là người UBND không khởi đầu gây ra, thì họ cũng đã sai, khi để người dân vào đánh người ngay UBND, đánh người mà họ đang đứng ra với danh nghĩa chính quyền thụ lý theo quy định pháp luật.

Ngay cả người dân đánh hội đồng anh Tuấn ở ngoài phạm vi UBND xã đi nữa thì họ cũng đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ công dân, những người đóng thuế để nuôi bộ máy chính quyền hoạt động

Người của UBND xã là đại diện chính quyền, là người hiểu luật, thực thi luật, và bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Biết luật mà phạm luật thì từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều là tình tiết tăng nặng tội rất nhiều.

Thử hỏi người thi hành luật làm sai luật thì sao có thể yêu cầu người dân “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” được. Thực trạng “chống người thi hành công vụ” và các vụ vi phạm pháp luật diễn ra khắp nơi ở mọi ngóc ngách đời sống xã hội, có một phần trách nhiệm của những người thi hành công vụ, thực thi pháp luật.

Nhưng rất ít người thi hành sai luật trái luật bị xử lý, mà nếu bị thì cũng cảnh cáo kiểm điểm xin lỗi và đổ cho… “dân trí thấp”. Cái văn hóa hễ có lỗi là đổ cho người khác, rồi tìm hết lý do để giải thích, lấp liếm này đang xói mòn hiệu quả làm việc của chính quyền nhiều địa phương.

Nạn nhân bị đánh bầm dập. (Ảnh: Đời sống plus)

Các biện pháp kiểm soát tội phạm dường như bất lực

Chỉ vì nghi ngờ vô căn cứ đánh hội đồng người ta thương tật dã man như thế này. Rồi chỉ cách đây mấy ngày, một thanh niên 18 tuổi giết chết cả nhà chủ nhà 5 người vì bị mắng (theo lời khai nghi phạm).

Hay chỉ cách đây một tháng, 2 kẻ trộm chó bị người dân đánh chết. Và mới đây nhất là vụ 2 thanh niên xông vào nhà người ta đánh chết người đang ngồi chúc Tết. Trước đó ngày 22 tháng 2, một thanh niên đâm chết bạn vì nợ 300 nghìn đòi mãi không trả…

Nhưng tội ác ghê người xảy ra liên tiếp, liên tục, khắp nơi trên toàn quốc trong những năm qua với mức độ càng ngày càng tàn bạo, với lý do càng ngày càng không đáng lý do gì, đã làm đau đầu các cơ quan chức năng, làm người dân hoang mang, nơm nớp cho sự an toàn cá nhân và con em mình.

Chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp từ răn đe bằng các công cụ pháp luật, đến tuyên truyền giáo dục pháp luật, với sự tham gia của các tổ chức như nhà trường, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… nhưng xem ra bất lực.

Tội ác ngày càng hoành hành, cha giết con, vợ giết chồng, trò giết thầy… Những kẻ phạm tội ác tày Trời này ngày càng đa dạng từ trẻ vị thành niên đến những người già gần đất xa trời, đáng báo động là càng ngày càng trẻ hóa.

Chúng ta ai cũng đã từng tự hỏi, có cái gì không đúng trong xã hội mới khiến tội ác gia tăng chóng mặt như vậy? Tại sao mấy chục năm trước đây, tội ác rất ít, và đặc biệt tội giết người thì vô cùng hiếm?

Tại sao bộ máy chấp pháp với lực lượng công an, cảnh sát hùng hậu, có mặt trên mọi nẻo đường, mọi phường xã, cùng mạng lưới dân phòng đến từng thôn, khu phố mà dường như bất lực?

Tại sao các thiết bị hỗ trợ an ninh như camera an ninh khắp mọi con phố, đến nhiều tư gia, cùng các đường dây nóng, các đợt ra quân trấn áp tội phạm mà tội phạm ngày càng tăng?

Tại sao việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật được cả hệ thống chính trị vào cuộc mà hiệu quả dường như không đáng kể? Điều kiện vật chất, kinh tế tốt lên cũng kéo theo tội phạm tăng lên sao?

Vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình nạn nhân của vụ ẩu đả phải vay nợ chạy viện phí . (Ảnh: Đời sống plus)

Đạo đức xã hội tụt dốc, cái ác lan tràn không kiểm soát

Khi suy ngẫm tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, và nhìn lại trong lịch sử, cũng như nhìn ra các nước xung quanh và trên thế giới, chúng ta có thể có được đáp án:

Đạo đức xã hội tụt dốc nhanh chóng, đã đến mức vô cùng bại hoại. Cả xã hội hiện nay dường như lao vào kiếm tiền và hưởng thụ.

Đó là việc kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, bất chấp hậu quả, bất chấp danh dự, đạo đức, bất chấp dư luận. Cả xã hội đang lấy số tiền, tài sản sở hữu để đánh giá thành công cá nhân, làm thước đo cho giá trị, cho tiêu chuẩn sống.

Xã hội hâm mộ kẻ có tiền, coi khinh người nghèo khó, mà không cần biết họ kiếm tiền bằng cách nào. Để có tiền, nhiều người sẵn sàng làm hàng giả, độc hại, sẵn sàng lừa đảo bịp bợm, buôn gian bán lậu, sẵn sàng bắt cóc tống tiền, trộm cắp cướp giật, trộm gà trộm chó, đánh bạc, bán dâm, cho vay nặng lãi, lợi dụng chức quyền, tham nhũng hối lộ, thậm chí đâm thuê chém mướn, giết người.

Khi cả xã hội bất chấp đạo đức tranh giành nhau địa vị, quyền lợi, thì mâu thuẫn giữa người với người ngày càng căng thẳng.

Và giải quyết mâu thuẫn khi thiếu vắng các giá trị đạo đức truyền thống, thiếu cái thiện lương, nhân ái, không có sự khiêm nhu nhường nhịn, không có sự nhẫn nại và hòa khí, thì chỉ có cách duy nhất là bạo lực: đánh, giết người, mưu hại, đầu độc đối thủ.

Gia cảnh khó khăn, nhưng gia đình không hề đòi tiền đền bù, chỉ mong có lời minh oan và xin lỗi. (Ảnh: ANTT)

Nếu xã hội có thể đề cao đạo đức, coi phẩm chất đạo đức là tiêu chuẩn đánh giá con người, khiến ai ai cũng hướng thiện, khi có mâu thuẫn xung đột thay vì đổi lỗi cho người khác thì học cách biết nhẫn nhịn, tự tìm nguyên nhân ở bản thân, xem mình còn có chỗ nào chưa tốt để sửa, thì khi ấy xã hội sẽ tốt đẹp, bình yên trở lại.

Người có dạy rằng: “Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến, nhưng họa đã rời xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến, nhưng phúc đã rời xa”.

Chúng ta ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc nhưng đã đi sai đường, càng ngày càng rời xa phúc. Quay về với giá trị truyền thống, luôn luôn là đầu giữ thiện niệm, lòng giữ thiện tâm, thân làm việc thiện, thì phúc đến ngay trước mắt. Chúng ta cũng không thể chờ ai đem phúc đến cho mình, mà ai ai cũng có thể bắt đầu bằng chính bản thân mình trước.

Nam Phương