Kể từ khi công chiếu vào ngày 12 tháng 11 đến nay, bộ phim “Mai Diễm Phương” đã làm nên cơn sốt phòng vé tại Hồng Kông. Một tuần sau khi công chiếu, doanh thu phòng vé đã vượt quá 20 triệu đô-la Hồng Kông, và hai tuần sau sau đó, tổng doanh thu phòng vé đã vượt quá 40 triệu đô-la Hồng Kông. Theo chuyên gia truyền thông nổi tiếng Đường Hạo, bộ phim Mai Diễm Phương trở nên hot như vậy, không chỉ phản ánh hoài niệm của người dân Hong Kong đối với cố nghệ sĩ Mai Diễm Phương, mà nó càng phản ánh nỗi nhớ và khao khát của người Hồng Kông về những năm tháng tự do của thời đó.

Mai Diễm Phương là một trong những siêu sao nổi tiếng nhất của xứ Cảng Thơm từ những năm 1980 đến 1990. Đáng tiếc cô đã  qua đời vì bạo bệnh vào năm 2003 khi chỉ mới 40 tuổi. Mai Diễm Phương đã để lại cho đời nhiều ca khúc và bộ phim kinh điển, trở thành hồi ức trưởng thành của rất nhiều người dân Hong Kong. Người dân Hồng Kông thời đó cũng đã chứng kiến và trải nghiệm một xứ Cảng Thơm tự do, thịnh vượng và huy hoàng.

Kể từ khi ĐCSTQ cưỡng chế “Luật An ninh Quốc gia” lên Hồng Kông vào năm ngoái, chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. ĐCSTQ đã đàn áp cái gọi là các cuộc biểu tình “chống chính phủ” ở Hồng Kông trong vài tháng, bắt giữ lượng lớn các nhà hoạt động dân chủ, và tăng cường kiểm duyệt bài phát biểu của người dân Hồng Kông. Ở Hồng Kông ngày nay, nhiều quyền tự do đã biến mất, các phương tiện truyền thông bị cấm, các ca khúc bị cấm, và thậm chí các viện bảo tàng cũng bị giám sát nghiêm ngặt.

Chuyên gia Đường Hạo cho rằng Mai Diễm Phương là một vết tích đại diện cho một Hong Kong tươi đẹp trong quá khứ, so với Hồng Kong dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay thì nó càng khiến người ta thổn thức không thôi, và càng cảm thấy tiếc nuối mỗi khi hồi tưởng lại.

Đạo diễn người Pháp François Truffaut, từng là nhà phê bình phim, nói rằng: “Khi một bộ phim thành công ở một mức độ nhất định, nó sẽ trở thành một sự kiện xã hội học”. Nhìn từ góc độ này, vô luận từ thành tích phòng vé đến hiệu ứng xã hội, “Mai Diễm Phương” đã trở thành sự kiện xã hội học ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, trong bộ phim này đã không đề cập đến sự kiện Lục Tứ năm 1989 và quá khứ dân chủ của Hồng Kông. Ông Đường Hạo phân tích rằng nguyên nhân chính cũng có thể do môi trường chính trị Hong Kong hiện nay đã chịu sự hạn chế. Theo ông Đường, điều này phản ánh rằng Hồng Kông ngày nay ngày càng mất đi tự do, công lý và lòng dũng cảm truyền thống.

Trên thực tế, vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, sau khi ĐCSTQ đưa quân đến đàn áp dã man các sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, Mai Diễm Phương đã dốc hết tâm sức bày tỏ sự ủng hộ đến các sinh viên và phản đối đàn áp của ĐCSTQ. Cô không chỉ từ chối lời mời đến Trung Quốc đóng phim “Nguyễn Linh Ngọc”, mà còn nhiều lần lên tiếng ủng hộ hành động giành lấy tự do dân chủ của các sinh viên ngay trên sân khấu. Các sự tích này đều đã được xác nhận trong hồi ký của cố đại diện ủng hộ dân chủ Hồng Kông Tư Đồ Hoa (司徒华).

Ông Tư Đồ Hoa là cựu chủ tịch của Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc, trước khi qua đời, ông đã viết một cuốn hồi ký – “Đại Giang Đông Khứ”. Cuốn sách tiết lộ rằng Mai Diễm Phương đã giúp đỡ rất nhiều cho “Chiến dịch Chim Vàng” bí mật giải cứu các nhà hoạt động dân chủ của sự kiện Lục Tứ. Ông Tư Đồ Hoa mô tả Mai Diễm Phương là người “có tình có nghĩa, không tiếc tiền bạc công sức” cho Chiến dịch này”. Mai Diễm Phương không chỉ từ chối sang Trung Quốc biểu diễn, mà còn bay sang Mỹ, Canada và những nơi khác để quyên tiền. Số tiền gây quỹ được dùng để giúp đỡ các nhà hoạt động phong trào dân chủ Lục Tứ. Nhưng bản thân Mai Diễm Phương chưa bao giờ lên tiếng về những nghĩa cử cao đẹp này. “

Ông Đường Hạo phân tích rằng đối với rất nhiều người dân Hồng Kông mà nói, Mai Diễm Phương không chỉ là ngôi sao lớn trong làng giải trí mà còn là biểu tượng của tinh thần của xứ Cảng Thơm những năm 1980 và 1990, nó tượng trưng cho tinh thần chính nghĩa tôn vinh tự do, dân chủ, nhân quyền, và dũng khí dám đối đầu với sự bất công và dũng khí chống lại chính quyền bạo ngược ĐCSTQ của người dân Hồng Kông.

Cuối cùng, ông Đường nói rằng mặc dù bộ phim “Mai Diễm Phương” không nhắc đến sự kiện Lục Tứ, dù vậy bộ phim này có lẽ phần nào cũng gợi lại được một chút hoài niệm về quá khứ của người dân Hồng Kông từng sống vào thời đó, đồng thời để lại một ký ức thời đại cho những người trẻ Hồng Kông. Nhắc nhở họ rằng Hồng Kông ngày trước đã tự do và thịnh vượng như thế nào, và Hồng Kông thời đó đã có tinh thần trọng nghĩa chống lại ĐCSTQ như thế nào.

Từ Khóa: