Tuần qua, quan hệ Nga-Mỹ lại trở lên cực kỳ căng thẳng, không phải vì các cáo buộc can thiệp bầu cử như thời gian gần đây, mà vì vụ liên quân do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ một chiếc máy bay quân sự do Nga sản xuất ở vùng trời Syria, khiến chính quyền Moscow lên tiếng đe dọa tấn công trả đũa.

Phía Nga đã hủy cuộc họp ngoại giao cấp cao được lên kế hoạch từ lâu và Lầu Năm Góc đang yêu cầu các đồng minh Châu Âu phải chi nhiều tiền hơn cho việc trợ giúp phòng vệ trước Nga.

Vụ việc xảy ra ngày 18/6 khi một chiếc tiêm kích Super Hornet F/A-18E của Mỹ đã bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu Su-22 của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.

Trong một tuyên bố ngày 19/6, Bộ chỉ huy trung tâm của liên quân do Mỹ dẫn đầu giải thích rằng đây là một hành động phòng vệ tập thể cho lực lượng đối tác thuộc liên quân. Đối tác này là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – một liên minh người Kurd-Arập do Mỹ hậu thuẫn, đóng quân gần thành phố Tabqah, tỉnh Raqqa. Các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó đã dùng máy bay Su-22 ném bom gần khu vực này, khiến nhiều tay súng SDF bị thương.

Cũng theo tuyên bố trên, liên quân không tìm cách chống lại chế độ Syria, Nga hay các lực lượng ủng hộ chế độ, nhưng sẽ không ngần ngại bảo vệ mình và các lực lượng đối tác khỏi bất kỳ mối đe dọa nào. “Nhiệm vụ của Liên quân là đánh bại IS ở Iraq và Syria”.

“Ý định và hành động thù địch của các lực lượng ủng hộ chế độ Syria đối với liên quân và các lực lượng của đối tác ở Syria đang tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm chống IS sẽ không thể được dung thứ”, theo thông báo Bộ chỉ huy trung tâm của liên quân.

Đáp lại, chính quyền Syria nói rằng máy bay của họ đang thực hiện chiến dịch đánh bom các mục tiêu của IS.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ không hề liên lạc trước khi bắn rơi máy bay của Syria, đồng thời cho biết họ sẽ thay đổi thái độ quân sự đối với Mỹ.

Trong một tuyên bố ngày 19/6, Bộ Quốc phòng Nga đe dọa sẽ coi bất kỳ máy bay nào đi vào vùng trời Syria mà không quân Nga đang hoạt động là mục tiêu tiềm tàng.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đình tạm ngừng đường dây nóng với Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án Mỹ là gây hấn, gọi hành động của Mỹ là “giúp đỡ những kẻ khủng bố mà chính Mỹ cũng đang chiến đấu chống lại”.

Tuy nhiên, ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đường dây nóng giữa Nga và Mỹ vẫn hoạt động, thậm chí Nga còn thông qua đường dây nóng này báo trước cho Mỹ sẽ phóng 6 quả tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng từ phía Mỹ về vụ máy bay của liên quân chống IS bắn hạ máy bay của quân đội Syria.

Ngoại trưởng Nga Rex Tillerson từng nói rằng mức độ tin tưởng giữa Nga và Mỹ đã xuống mức thấp. Ảnh: Review Journal

Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn hạ một máy bay của chính phủ Syria, dù đây là thời điểm không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với quân đội Mỹ trong khu vực.

Hành động dứt khoát này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump không ngại đối đầu trực diện với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh, và dường như chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Trump đang có thay đổi quan trọng trong lối hành xử tại Syria.

Theo một phân tích từ kênh CNN, việc Tổng thống Trump trao cho Lầu Năm Góc toàn quyền tổ chức lực lượng và thiết lập kế hoạch hành động tại các chiến trường có vẻ đang mang lại ưu thế quân sự tại các mặt trận mà Mỹ và các đồng minh đang mất thế hay yếu thế.

Trước đây, chính quyền cũ của Mỹ thường chú trọng sử dụng công cụ ngoại giao để xác lập vị thế cho lực lượng hậu thuẫn tại Syria, nhưng kết quả là lực lượng này luôn thất thế. Nay Lầu Năm Góc được chủ động trong hành động mà không chịu sự kiềm chế của Bộ Ngoại giao, thậm chí cả Nhà Trắng, nên hành động của Mỹ tại Syria khả năng sẽ quyết liệt hơn.

Theo một phân tích của Business Insider, Nga có các hệ thống tên lửa đất đối không cũng như nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến ở Syria, nhưng cũng khó địch nổi khi Mỹ luôn có một tàu sân bay tại Địa Trung Hải chở hàng chục máy bay tiêm kích F/A-18E Super Hornet, ngoài hàng trăm máy bay chiến đấu F-15, F-16 đặt ở khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Jordan. Đó là chưa kể đến sức mạnh hải quân Mỹ và hàng trăm quả tên lửa Tomahawk được triển khai gần Syria.

Một lý do nữa khiến Nga sẽ không tấn công máy bay Mỹ là vì Nga có thể không đặt cược quá nhiều vào Syria, vì đây không phải là quyền lợi quốc phòng sát sườn của chính quyền Moscow.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga tại Viện Chính sách Cận đông của Mỹ cho biết can thiệp quân sự ở Syria là một cách để Nga lái sự chú ý khỏi các vấn đề kinh tế, xã hội nội bộ của Nga.

Một phân tích từ kênh Aljazeera cũng cho rằng Nga muốn sử dụng cuộc xung đột ở Syria để lấy lại quan hệ với phương Tây sau vụ sáp nhập khu vực Crimea của Ukraina.

Do đó, việc gây thêm tổn thương cho các binh sĩ Nga trong một cuộc xung đột với Mỹ sẽ làm xáo trộn ván cờ của Nga tại Syria.

Hạo Nhân tổng hợp

Xem thêm: