Đài Á châu Tự do đưa tin, theo luật an ninh quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt lên thành phố, các thư viện công cộng ở Hồng Kông đang âm thầm loại bỏ những cuốn sách được coi là “nhạy cảm” về mặt chính trị.
Kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, hơn 100 đầu sách được cho là đã biến mất khỏi mạng lưới các thư viện công cộng của Hồng Kông. Trong đó có nhiều cuốn đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 – một thảm họa xảy ra do chính sách đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Bộ dịch vụ Văn hóa và Giải trí của thành phố đã lập ra danh sách hơn 70 cuốn sách bị coi là vi phạm pháp luật. Đây là động thái nhằm hình sự hóa và trừng phạt những lời chỉ trích của công chúng đối với chính quyền Hồng Kông và ĐCS Trung Quốc.
Hong Kong Free Press đưa tin vào ngày 21 tháng 11, một số cuốn sách về phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ năm 1989 ở Trung Quốc vẫn còn trên kệ thư viện, nhưng số lượng bản sao của chúng đã bị cắt giảm. Độc giả muốn đọc phải đặt hàng qua chương trình mượn sách liên thư viện.
Trong số những cuốn sách “biến mất” có cuốn “Lời tường thuật thực tế về cuộc tìm kiếm nạn nhân ngày 4 tháng 6” (Cuốn 1 – Cuốn 2) của bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), người sáng lập nhóm vận động Các bà mẹ Thiên An Môn.
Nhiều cuốn sách về sự kiện Thiên An Môn cũng như những tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông đã lặng lẽ biến mất khỏi các thư viện sau những lời tố cáo trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, với cáo buộc những tài liệu này vi phạm luật an ninh quốc gia.
Vào tháng 6 năm 2021, cảnh sát đột kích và đóng cửa tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily và người sáng lập đế chế truyền thông Next Digital Jimmy Lai. Sau đó, hơn 30 cuốn sách liên quan đến tờ báo và ông Jimmy đã bị xóa khỏi các thư viện Hồng Kông.
Sách của người sáng lập tổ chức ủng hộ dân chủ Oóc-kiu-pai Sen-trờ (Occupy Central) và cựu giáo sư luật Benny Tai cũng bị gỡ xuống sau khi bị chỉ trích bởi các phương tiện báo chí do Bắc Kinh hậu thuẫn .
Chính quyền Hồng Kông cho biết “Nếu bất kỳ nội dung nào bị phát hiện vi phạm Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông hoặc các luật khác có liên quan, nội dung đó sẽ bị … xem xét nghiêm túc và bị đình chỉ khỏi tập hợp [sách] của chúng tôi”.
Nhà xuất bản kỳ cựu Jimmy Pang cho biết, luật an ninh quốc gia đã buộc các nhà xuất bản và nhà văn phải tạm dừng các dự án. Đồng thời, các nhà in, nhà phân phối và hiệu sách từ chối những cuốn sách nhạy cảm. Ông cho biết thêm, nhà xuất bản Sắp-Kao-trờ (Sub-Culture) của ông đã xóa ít nhất một đầu sách khỏi các thư viện vào tháng Năm.
Ông nói “Trước đây, chúng tôi có ranh giới rõ ràng … nhưng bây giờ điều đó không dựa trên việc chúng tôi có hiểu hoặc tuân thủ [một bộ quy tắc] hay không. Bây giờ, họ [chính quyền] chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn.” Ông dẫn chứng việc sách về ẩm thực của ông Jimmy Lai cũng bị gỡ bỏ theo cái gọi là “luật an ninh quốc gia”. Ông nói “Những cuốn sách của Jimmy Lai về ẩm thực và cách tiến lên trong kinh doanh đã vi phạm luật an ninh quốc gia như thế nào?”
Ông nói: “Chúng tôi không biết có bao nhiêu bản sách đã bị gỡ xuống khỏi kệ”. Ông Pang nói thêm rằng, biện pháp này đã gây “hiệu ứng lạnh gáy” đối với ngành xuất bản, vốn từng sôi động một thời của Hồng Kông. Ông cảnh báo: “Họ sẽ cần phải nghiền ngẫm từng trang, từng chữ trong mỗi cuốn sách để đáp ứng yêu cầu của chính phủ”.
Gần đây, nhà báo Allan Au nói rằng, anh ấy không ngạc nhiên khi tác phẩm của mình đang biến mất khỏi các thư viện.
Anh nói “Rất nhiều tiếng nói đã biến mất hoặc bị bịt miệng trong môi trường hiện nay. Phải chăng trong tương lai, các thư viện [Hồng Kông] sẽ chỉ cung cấp những cuốn sách về ẩm thực, du lịch và tình cảm hay sách lịch sử của chính quyền?”.