Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng, đến nỗi cụm từ “Tác phẩm Khổng Ất Kỷ” đã xuất hiện trên Internet và lọt vào danh sách tìm kiếm nóng. Giới trẻ Trung Quốc tự so sánh mình với nhân vật Khổng Ất Kỷ (孔乙己) trong tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn, dùng cách tự giễu bản thân để thể hiện sự bất mãn.
Trong truyện, nhân vật Khổng Ất Kỷ là một nhà nho lỗi thời, lập dị, dơ bẩn, nghèo nàn, song lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị, đến mức sự nghiêm nghị đó biến thành trò cười người dân phổ thông.
Theo dữ liệu kinh tế chính do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 15 tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi chiếm 18,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, so với 16,7% vào tháng 12 năm ngoái. Mặc dù chính quyền Trung Quốc có thể làm giảm số liệu, nhưng không thể phủ nhận rằng tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc ngày càng trầm trọng.
Một số cư dân mạng than thở rằng thuở nhỏ, khi họ đọc truyện ngắn Khổng Ất Kỷ của nhà văn Lỗ Tấn, họ chỉ nghĩ rằng hình tượng nghèo túng cổ hủ của ông ta rất buồn cười. Bây giờ, khi đã trưởng thành, đọc lại truyện này mới phát hiện “lúc nhỏ đọc không hiểu Khổng Ất Kỷ, khi đọc hiểu thì đã trở thành nhân vật trong truyện rồi”.
“Tác phẩm Khổng Ất Kỷ” hiện đang thịnh hành ở Trung Quốc, mục đích nhằm phản ánh sự bất mãn chung của những người trẻ tuổi hiện nay. Tất nhiên, điều này cũng làm dấy lên sự cảnh giác của chính quyền Trung Quốc, muốn chuyển hướng dư luận.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc “bình luận” càng thổi bùng sự tức giận của cư dân mạng
Truyền thông Trung Quốc CCTV đã đăng một bài bình luận vào ngày 16/3, kêu gọi đối mặt với sự lo lắng đằng sau “Tác phẩm Khổng Ất Kỷ”. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng đã đưa ra một bình luận thông qua tài khoản công khai WeChat, chỉ trích “Tác phẩm Khổng Ất kỷ” là một “sự sỉ nhục vô căn cứ” đối với giới trẻ, nhấn mạnh rằng không phải thanh niên có học thức cao nào cũng xem mình là Khổng Ất Kỷ.
Nhưng tuyên bố chính thức không làm xoa diệu dư luận, trái lại lần nữa thổi bùng sự tức giận của cư dân mạng Trung Quốc. Hầu hết cư dân mạng chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thức vì không biết mọi người đang bày tỏ điều gì thông qua Khổng Ất Kỷ, nhấn mạnh rằng những người trẻ tuổi không phải là họ không muốn làm việc, mà là họ không có công việc để làm và tình hình việc làm quá tồi tệ.
Do có quá nhiều bình luận tiêu cực, cả CCTV và Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã đóng chức năng bình luận.