Một di tích bị phá bỏ hoàn toàn để xây mới

NLĐ – Vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh hơn 1 năm, nghè Đông Kinh ở xã Nga Trường (Thanh Hóa) đã bị phá tan hoang để chuẩn bị làm mới, dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đáng lưu ý, dù di tích đã bị phá bỏ, nhưng trong tờ trình gửi UBND tỉnh, huyện Nga Sơn vẫn nêu hiện trạng công trình xuống cấp, cần sớm được tu bổ, tôn tạo chứ không hề nhắc tới việc di tích đã bị hạ giải, phá bỏ.

Nghè Đông Kinh (xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là địa điểm thờ Thánh Mẫu, Thành Hoàng Làng và đã có từ rất lâu đời. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài địa phương. Tháng 4/2021, nghè Đông Kinh được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 7/6/2022, UBND xã Nga Trường có tờ trình gửi UBND huyện Nga Sơn xin chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích này. Ngày 13/7, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn tiếp tục có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề xuất chủ trương trùng tu di tích nghè Đông Kinh.

Tại tờ trình này, UBND huyện Nga Sơn cho biết trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, các hạng mục công trình của nghè Đông Kinh như: Ngôi nhà thờ Đông Hải tôn thần, Thái Thụy phu nhân chi thần, Tứ Phúc phu nhân chi thần đang trong tình trạng xuống cấp.

Cũng tại báo cáo này, UBND huyện Nga Sơn xin xây lại nhà tiền đường, khu thờ chính gồm đảo ngói, xây lại các bệ cửa chính, cửa sổ, xây lại sân, vườn và đường vào nghè. Kinh phí tu bổ khoảng 1,2 tỉ đồng (nguồn xã hội hóa) và được thực hiện xong trong năm 2022.

Nhận được tờ trình trên, ngày 14/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chủ trì), cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng nghiên cứu để xuất của UBND huyện Nga Sơn, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 25/7..

Ông Trương Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nga Trường, thừa nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nghè Đông Kinh đã bị phá bỏ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đáng lưu ý, dù di tích đã bị phá bỏ, nhưng trong tờ trình gửi UBND tỉnh (ngày 13/7), huyện Nga Sơn (cơ quan được UBND tỉnh Thanh Hóa giao quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích) vẫn nêu hiện trạng công trình xuống cấp, cần sớm được tu bổ, tôn tạo chứ không hề nhắc tới việc di tích đã bị hạ giải, phá bỏ.

Nhiều vụ tai nạn, ô tô không có lỗi vẫn bị tạm giữ

24h – Trong các vụ tai nạn giao thông, việc tài xế bị tạm giữ xe, giấy tờ để điều tra là điều đương nhiên. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp tài xế chẳng hề có lỗi và đã được cơ quan chức năng xác nhận nhưng xe và giấy tờ của họ vẫn bị công an giam giữ.

Anh Bùi Văn Khải (ngụ quận 7, TP.HCM) cho hay: Giữa năm 2019, anh lái ô tô thì bất ngờ hai xe máy đi ngược chiều va chạm nhau. Một xe tông thẳng vào đầu ô tô của anh làm một người bị thương. Quá trình khám nghiệm hiện trường, CSGT xác định do người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, đi sai làn đường nên va chạm xe máy của nạn nhân. 

Tuy nhiên, một tuần sau khi tai nạn nhưng anh Khải vẫn không thể lấy xe dù cơ quan chức năng xác định xe anh không có lỗi. “Đến gần một tháng rưỡi sau, cho đến khi bên vi phạm chịu đền tiền cho nạn nhân, lúc này tôi mới được nhận lại xe” – anh Khải kể.

Còn rất nhiều trường hợp bức xúc tương tự, mà những người liên quan đến tai nạn giao thông dù đã xác định không có lỗi vẫn bị cảnh sát giao thông giam giữ phương tiện trong thời gian rất lâu, khiến họ chịu thiệt hại về kinh tế. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông không quá 7 ngày kể từ ngày tạm giữ. 

Còn theo luật sư Ngô Việt Bắc, Đoàn Luật sư TP.HCM, thì cần phải có biện pháp xử lý cán bộ “ngâm xe” trái quy định. Ông nói: “Cơ quan chức năng cần làm rõ tinh thần của Điều 10 của Thông tư 63 của Bộ Công an, tạo cơ chế xử lý linh hoạt nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân. Cần phải có sự kiểm tra, giám sát, nếu nhận thấy tình trạng thiếu trách nhiệm, ép người dân vào thỏa thuận không hợp lý, hay viện nhiều lý do để “ngâm xe”, vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp xử lý cán bộ theo quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Từ 1/9, kêu gọi, phân phối từ thiện phải ghi chép minh bạch

Tuoitre – Sau hàng loạt những lùm xùm xung quanh các chương trình từ thiện, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41/2022 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Theo đó, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có những hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện được giao kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng.

Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích.

Hằng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị trong năm theo quy định; công khai số liệu, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.

Còn đối với cá nhân tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, thông tư hướng dẫn phải có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định; đồng thời công khai tình hình tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp.

Về cách thức tiếp nhận, Bộ Tài chính yêu cầu trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền, cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng. Không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản chi tiêu cá nhân của người vận động.

Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt, cá nhân tiếp nhận tài trợ phải có trách nhiệm bảo quản tiền an toàn. Trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản ngân hàng được mở riêng cho mục đích xã hội tại ngân hàng.

Trường hợp tiếp nhận bằng ngoại tệ, cá nhân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện tài trợ theo quy định.

Vé khứ hồi chặng nội địa Tết 2023 chạm mức 10 triệu đồng

Các hãng hàng không hiện đã mở bán vé Tết Quý Mão 2023. Zing khảo sát giá vé khứ hồi giai đoạn 19/1 (28 tháng Chạp) đến 26/1 (mùng 5 Tết).

Đường bay TP.HCM – Hà Nội có giá rẻ nhất là 5,3 triệu/khứ hồi khi khách hàng bay với Vietjet Air. Nếu bay với Vietnam Airlines, khách hàng phải trả 6,8 triệu/khứ hồi. Nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines giá vé lên đến hơn 10 triệu đồng/chuyến khứ hồi nhưng hành khách không được bay thẳng. Họ phải đổi chuyến ở Nha Trang hoặc Đà Nẵng với thời gian quá cảnh lên đến 16 giờ 45 phút (quá cảnh qua đêm).

Chặng TP.HCM – Đà Nẵng có giá rẻ nhất là 4,2 triệu đồng khứ hồi cho những chuyến bay vào sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu bay với Bamboo Airways, khách phải trả khoảng 4,9 triệu đồng. Con số này là 7-9,5 triệu đồng nếu bay với Vietnam Airlines. Giá vé chặng TP.HCM – Huế cũng tương tự chặng TP.HCM Đà Nẵng.

Nếu bay về Đồng Hới, Quảng Bình, hành khách cũng phải trả mức giá khá cao. Cụ thể, giá vé lần lượt là 5,1 triệu (Vietjet Air), 6,2 (Bamboo Airways) 8,7 triệu đồng (Vietnam Airlines).

Với hành khách về Vinh, giá vé khứ hồi dao động từ 6,4 đến 8,3 triệu đồng tuỳ hãng. Giá vé bay về sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cũng ở mức tương tự.

So với Tết 2022, giá vé hiện tại đang cao gấp 2-3 lần. Mức giá này có thể thay đổi tùy vào việc các hãng tăng số lượng chuyến bay để phục vụ nhu cầu trong mùa cao điểm.

Có thể bạn quan tâm: