Ban thực hiện cưỡng chế của UBND TP. Phú Quốc đã cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn 2 trong số 79 căn biệt thự. Thời gian tới sẽ củng cố hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục để cưỡng chế 77 căn biệt thự còn lại. Một trong nhiều bạn đọc thắc mắc là, lúc người dân xây biệt thự trái phép to như vậy, sao chính quyền không phát hiện và ngăn chặn từ đầu?.
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 bị can liên quan đến 79 căn biệt thự xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý tại TP. Phú Quốc.
Bước đầu, 3 bị can này được xác định là lừa đảo bán đất nhà nước quản lý liên quan đến khu đất xây dựng các căn biệt thự nói trên ở khu vực Bãi Trường, thuộc ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc.

79 căn biệt thự xây dựng trái phép nằm trong khu đất rộng 18,9 ha tại Bãi Trường, do nhà nước quản lý. Khu đất này trước đây là đất rừng phòng hộ, do UBND xã Dương Tơ quản lý. Tuy nhiên, hiện trạng nơi này đã thay đổi do nhiều tổ chức, cá nhân bao chiếm, thực hiện việc san lấp và xây dựng công trình nhà ở trái phép.
Mới đây, ngày 9/11, Ban thực hiện cưỡng chế của UBND TP. Phú Quốc đã cưỡng chế, phá dỡ hoàn toàn 2 trong số 79 căn biệt thự này. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục củng cố hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục theo quy định để cưỡng chế 77 căn biệt thự còn lại.
Vì sao không ngăn chặn ngay từ đầu?
Đó là câu hỏi mà nhiều bạn đọc (BĐ) đặt ra, bởi khi phải cưỡng chế tháo dỡ thì rất xót xa, tốn kém công sức và tiền của.
Chia sẻ đến báo Thanh Niên, bạn đọc Khuyen bày tỏ: “Thật quá đáng tiếc. Nhìn mà xót xa. Tuy nhiên, chúng ta sống và làm việc theo đúng pháp luật. Cũng do sự quản lý lỏng lẻo từ địa phương, nếu từ lúc đặt móng mà kiểm tra, cấm xây dựng ngay thì đâu đến nỗi giờ phải cưỡng chế đập bỏ, mất bao nhiêu tiền của, gây lãng phí…”.
BĐ Trung Quang chất vấn: “Tôi thắc mắc là lúc người dân xây biệt thự trái phép to như vậy, sao chính quyền không cương quyết ngăn chặn?”. Còn BĐ Anh lái tàu họ Nhạc đặt câu hỏi: “Khi xuất hiện những căn biệt thự lấn chiếm đất nhà nước, xây dựng trái phép, nếu chính quyền cương quyết cưỡng chế ngay thì không thể có tới 79 căn biệt thự như hiện nay, làm lãng phí quá nhiều công sức, tiền của của người vi phạm cũng như sức lực của chính lực lượng cưỡng chế”.
Trong khi đó, BĐ Thanh Huynh Van bức xúc: “Xin đặt ra câu hỏi: Nếu nguồn gốc là đất công, tại sao một số người (cụ thể là 3 người vừa bị khởi tố) ngang nhiên bao chiếm, lừa đảo bán đất, rồi những người “mua lầm đất” xây dựng nên những ngôi biệt thự này mất thời gian ít nhất cũng từ 6 tháng trở lên… Vậy trong thời gian này, chính quyền địa phương ở đâu mà để sự việc đến nông nỗi như vậy? Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm những người liên quan”. Còn BĐ Sanu thẳng thắn chất vấn: “Họ đã vi phạm pháp luật trong thời gian dài trên địa bàn ông quản lý, tại sao lúc ban đầu ông không ngăn chặn?”.
Có thể bạn quan tâm: