Một phẩm chất cần thiết nhất nhưng lại đang bị coi nhẹ nhất ở con người…

Bạn đã chờ đợi ba mươi phút rồi. Vẫn chưa thấy tăm hơi của anh ấy đâu.

Bạn bắt đầu thấy khó chịu và sốt ruột.

Và cuối cùng anh ấy cũng tới, bạn nhìn anh ta.

Bạn nhận ra rằng – Anh ấy là quản lý của một đội lớn trong một doanh nghiệp lớn. Anh ấy có những cuộc hẹn đột xuất với khách hàng.

Thật khó để lúc nào anh ấy cũng có thể rời sở làm đúng giờ.

Khi anh ấy nói “Xin lỗi”, bạn đáp lại “Không sao đâu” và cả hai cùng vui vẻ.

***

Bạn đang đi xe tới ngã tư có đèn giao thông.

Bạn không đạp phanh kịp.

Viên cảnh sát quát lớn “Anh mù à? Không nhìn thấy đèn đỏ à?”

Bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nói thô lỗ đó. Nhưng rồi bạn nhận ra rằng anh cảnh sát đã đứng cả buổi chiều giữa trời nắng nóng chói chang. Có vẻ rất khó khăn cho anh ấy để có thể giữ được sự bình tĩnh và cư xử lịch thiệp.

Bạn không còn thấy có gì quá nghiêm trọng nữa.

sức mạnh của bao dung
Một ngày ra đường bạn bắt gặp một viên cảnh sát khó tính, hãy nhẫn nại bản thân và nghĩ cho chính người đó (Ảnh: 24h)

***

“Sao mà cứ phải hỏi thế nhỉ? Cậu không biết tra google mà tự tìm câu trả lời à?” cô bạn gái của bạn cộc cằn đáp trả khi bạn thắc mắc về một phần mềm.

Bạn cảm thấy bị tổn thương. Bạn nghĩ rằng cô ấy thật vô tâm.

Nhưng rồi, bạn nhận ra rằng không phải lúc nào cô ấy cũng như vậy. Có thể cô ấy đã có một ngày dài mệt mỏi hoặc tâm trạng của cô ấy thay đổi do tới tháng. Điều đó cũng dễ hiểu ở phụ nữ.

Ngày hôm sau bạn nói chuyện bình thường với cô ấy như thể chưa có chuyện gì từng xảy ra.

***

Một trong những điều mà chúng ta xem nhẹ nhất nhưng rất quan trọng trong đời sống hàng ngày: Là biết đặt mình vào vị trí của người khác, để cảm nhận, hiểu được cảm xúc của họ, và nhìn toàn bộ tình huống từ quan điểm của người kia.

Đó là một trong những phẩm chất cần thiết nhất của một người tử tế. Bởi nó có thể cứu vãn rất nhiều mối quan hệ và hạn chế rất nhiều phiền não, đau khổ không đáng có cho người khác và ngay cả chính bạn.

Trên đây là những câu chuyện nhỏ và quan điểm của Srinath Nalluri, Trợ lý Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời Singapore.

Ý kiến cá nhân thật sự là loại hình thức thấp nhất của tri thức con người. Nó không đòi hỏi phải có trách nhiệm, không cần thấu hiểu. Tuy nhiên, hình thức tri thức cao nhất là sự đồng cảm, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tạm ngưng phần bản ngã của mình lại và sống trong thế giới của người khác. Mục đích cũng cao cả hơn nhiều so với việc tự nhận thức bản thân” – Bill Bullard.

đặt mình vào người khác
Một khi đặt mình vào người đối diện, mới thấy được cảm nhận của người đối diện. (Ảnh: Pinterest)

Lại có câu chuyện từ thời Xuân Thu rằng:

Vào một năm mùa đông trời giá rét, nước Tề tuyết rơi liên tục trong 3 ngày 3 đêm khiến người dân không dám đi ra ngoài. Những ai có việc phải ra khỏi nhà đều cảm thấy buồn bã, lo lắng do đường khó đi, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày và vật nuôi. Vì vậy, ai cũng mong cho đợt giá rét này nhanh kết thúc.

Ngày nọ, Tề Cảnh Công thân mặc áo lông ung dung ngồi trước cửa sổ ngắm nhìn tuyết rơi, khuôn mặt lộ rõ niềm vui sướng. Tề Cảnh Công càng ngắm càng thấy cảnh sắc đẹp mê hồn, chỉ mong tuyết rơi nhiều hơn và lâu hơn nữa để vẻ đẹp này thêm phần diễm lệ.

Khi quan đại phu Yến Anh tiến lại gần, Tề Cảnh Công liền vui mừng bảo: “Năm nay khí trời thật kỳ lạ, dù tuyết đã rơi nhiều ngày nhưng ta vẫn cảm thấy ấm áp giống như mùa xuân, chẳng có chút gì lạnh cả. Ngươi có thấy vậy không?”.

Yến Anh để ý thấy Tề Cảnh Công đang mặc áo lông, trong phòng lại có lò sưởi cháy hừng hực nên cảm thấy ấm áp không có gì là lạ. Nghĩ xong, Yến Anh mới đáp lại: “Khí trời chẳng lạnh chút nào là sao?”.

Tề Cảnh Công nghe xong vừa gật đầu vừa cười rất sung sướng. Thấy vậy, Yến Anh bèn thẳng thừng nói rằng: “Đại Vương, thần nghe nói, bậc minh quân ăn no sẽ nghĩ đến có người đang chịu đói, khi mặc ấm sẽ nghĩ đến có người đang rét lạnh, khi thoải mái sung sướng cũng nghĩ đến có người đang lao động khổ cực. Nhưng sao, Ngài chẳng hề lo nghĩ cho người khác vậy?”.

Nghe xong, Tề Cảnh Công cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Nghĩ cho con đan trăm họ là bậc anh tài
Bậc minh quân ăn no sẽ nghĩ đến có người đang chịu đói, khi mặc ấm sẽ nghĩ đến có người đang rét lạnh (Ảnh: ĐKN)

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vẫn vô tư hưởng thụ những điều mà bản thân cho rằng rất tốt đẹp. Nhưng lại quên mất có thể người khác không có điều kiện tốt để hưởng thụ cùng một điều đó như ta.

Thấu hiểu và đặt mình vào vị trí người khác không chỉ là để thông cảm cho những điều họ làm mà ta cảm thấy không đúng. Mà nó còn là sự thiện lương, biết quên đi những khoái cảm, vui thú của bản thân để hướng đến lợi ích chung của tập thể, cộng đồng.

Không những là để thông cảm cho người khác, mà còn là quên đi bản thân, đó mới là cảnh giới cao nhất của việc đặt mình vào vị trí người khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, bạn không chỉ cần biết đặt mình vào vị trí của người khác. Mà việc hoán đổi vị trí của bản thân và người khác là một điều vô cùng linh hoạt và thể hiện trí tuệ cảm xúc tuyệt vời.

Coi mình là người khác để đối đãi thì chính là vô ngã.
Coi người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi.
Coi người khác chính là bản thân họ để đối đãi thì đó chính là trí tuệ.
Coi bản thân mình là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là tự tại.

Điều này giải thích cho những tranh luận phản biện đối với bài viết của Srinath Nalluri ở trên. Có người cho rằng, nếu cứ đặt mình vào vị trí người khác thì sẽ mất đi lòng tự trọng, mất đi năng lực phán xét và chủ kiến của bản thân. Hơn nữa còn rất dễ bị người khác lợi dụng và áp đặt suy nghĩ.

Thế nên người xưa mới khuyên rằng, cũng phải biết coi mình là bản thân mình để đối đãi, và biết coi người khác là bản thân họ để đối đãi. Chúng ta không thể áp đặt và mong cầu người khác cũng suy nghĩ như ta. Cũng chẳng thể chạy theo mong mỏi và yêu cầu của người khác.

Đĩnh đạc, tự tại thì sẽ phân biệt được đúng sai mà không mù quáng đi theo đám đông, không bị người khác lợi dụng.

Tôn trọng, không xâm phạm và nhất mực đòi sửa đổi người khác dù họ đang không đúng cũng là một loại trí tuệ. Từ đó khiến người ta muốn ở gần mình, tôn trọng lại và kính nể mình. Lúc này những điều tốt đẹp chúng ta làm, chẳng phải sẽ tự được họ tiếp nhận hay sao.

Tào công vì trọng người trọng tướng, luôn nghĩ tới người khác
Khi Tào Tháo thả Quan Vũ, quần thần can gián ông chỉ nói một câu: “Ai cũng có chủ để thờ” (Ảnh: Kknews).

Thế nên, ở đời hạnh phúc và tự tại hay không, đơn giản cũng chỉ là ở việc bạn có thể coi mình là ai và người khác là ai để mà đối đãi. Chỉ có ai ngộ được và tìm mọi cách để thay đổi thì mới là người hạnh phúc. Nhưng nó không hề quá khó.

Bạn hãy bắt đầu từ việc nghĩ ra những tình huống có thể giải thích cho việc cô bạn bỏ rơi bạn sau khi đã hẹn gặp nhau. Tại sao mẹ bạn lại cứ nhắc đi nhắc lại một việc mà bạn biết rồi. Vì sao sếp bạn nhất định đòi bạn làm lại báo cáo trong khi bạn thấy nó rất ổn…

Và nếu không thể hiểu được người khác, bạn có thể đơn giản chỉ cần nghĩ, chắc phải có một lý do nào đó họ mới làm vậy. Lúc đó, bạn sẽ không phán xét và thấy kỳ lạ khi một người mặc áo mưa giữa trời nắng nữa. Có thể vì anh ấy đang bị cảm lạnh và sợ gió, vậy thôi!

Thuần Dương

Từ Khóa: