Mục lục bài viết
Khi còn tại vị, Thái Tông dựa vào việc sùng thiện quảng đức mà ân trạch tứ phương, khai sáng sự nghiệp Đại Đường thịnh thế, thành tựu ‘Trinh Quán chi trị’ huy hoàng nhất trong lịch sử.
- Tiếp theo Phần mở đầu
‘Đế phạm tự’:
“Trẫm nghe nói đại đức gọi là sinh, đại bảo gọi là địa vị, dùng để phân tôn ti cao thấp, dựng lập danh phận quân thần, dưỡng dục dân chúng, giáo hóa thứ dân. Nếu bản thân không hiểu rõ nghĩ thấu, văn võ toàn tài, được trời xanh chăm nom, ghi rõ từng việc, thì làm sao có được may mắn tỏ rõ thần khí mà ngồi lên ngôi vị hoàng đế? Đường Nghiêu thánh đức có Thần Quy hiện lên ở sông Thúy Quy dâng tặng ‘Hà Đồ’. Trời xanh ban cho Nguyên Khuê mới tạo nên thần công trị thủy của Đại Vũ. Chim ngậm thư đỏ bay từ Kỳ Sơn hướng đến Chu Văn Vương tuyên dụ thiên mệnh mới khai sáng cơ nghiệp nhà Chu kéo dài 800 năm. Xưa nay linh thiêng biểu thị cát tường, nhà Hán mở đầu coi trọng nền móng cha truyền con nối. Ai ngồi lên ngôi vị đế vương là do Trời định, quyết không phải dựa vào cơ trí cùng với tranh giành mà có được.
Vào những năm cuối triều đại nhà Tùy, thiên hạ phân chia. Đường Cao Tổ với dáng vẻ uy vũ, gặp được thời thế thay triều đổi đại mà khởi binh bình loạn, kiến tạo Đại Đường quân lâm thiên hạ. Lúc đó, quần hùng cát cứ, trời đất âm u, sài lang hoành hành, thiên hạ không yên. Năm ta 18 tuổi, với tấm lòng khẳng khái ôm theo chí lớn bình định đại loạn, cứu tế muôn dân trăm họ, mặc áo giáp ra trận, kẻ địch mạnh cũng không thể phá, binh địch có kiên trì đến đâu cũng không chọc thủng, tỏ rõ tứ hải, bình định tám phương. Sau đó ta ngồi lên ngôi vị hoàng đế, kế thừa sự nghiệp thống nhất thiên hạ. Lo lo lắng lắng, như rơi xuống vực sâu, như xe gỗ mục nát, mỗi ngày cẩn thận, suy nghĩ đạo trị quốc an dân, làm sao để trước sau vẹn toàn.
Con từ khi còn nhỏ, vẫn luôn nhân từ, phương diện nghĩa còn nhiều khuyết thiếu, nhưng biết ngoan ngoãn nghe lời, được lập làm Thái tử, giao cho trách nhiệm kế thừa ngôi vị hoàng đế. Mỗi khi nghĩ đến việc con sinh ra và lớn lên ở thâm cung, không hiểu lễ tiết quân thần, không biết đời sống dân chúng khó khăn, cha vô cùng lo lắng, thường xuyên mất ăn mất ngủ. Cha lấy sử làm gương, trên bắt đầu từ Hiên Viên hoàng đế, cho đến Bắc Chu, nhà Tùy, nhìn vào bậc quân vương kinh thiên vĩ địa, bậc quân chủ gây dựng sự nghiệp thống nhất, đạo lý hưng vong trị loạn, bảo con biết rõ xưa và nay, lấy đó làm gương”.

Thái Tông viết chương ‘Đế phạm tự’ đã chỉ ra 3 vấn đề có sức nặng như thác đổ. Thứ nhất là Thiên mệnh. Thứ hai là ‘vì muốn cứu tế thương xót sinh linh mà dẹp loạn’. Thứ ba là ‘cận giới’ – dạy bảo tu thân dưỡng tính cho Thái tử. Dưới đây chúng ta sẽ phân biệt và thảo luận về 3 vấn đề này.
Vấn đề thứ nhất: ‘Nghiệp đế vương không phải cứ nỗ lực là đạt được”
Rõ ràng Lý Thị đã gây dựng nên cơ nghiệp nhà Đường, vì sao Thái Tông lại nói nghiệp đế vương không phải cứ cố gắng mà có thể đạt được? Đây liệu có phải là ông đang giả vờ bàn cao kiến để đo lòng người trong thiên hạ hay không? Dĩ nhiên là không phải. Cơ sở lập luận của Thái Tông là chủ đề triết học chính trị Trung Quốc cổ đại, đó chính là tư tưởng Thiên mệnh. Tư tưởng Thiên mệnh cũng không phải là điều gì thần bí, nó toát lên tinh thần nhân văn, khái quát mà nói thì có ít nhất 3 ý nghĩa:
1. Trời cao chọn người có đức hạnh làm quân vương, thay Trời coi sóc chăm lo dân chúng, đây là Thiên mệnh. Thế nhưng Thiên mệnh cũng không phải là không thể thay đổi. Bậc quân vương một khi đức hạnh suy vi, không làm tốt nhiệm vụ thì Thiên mệnh cũng liền thay đổi. Trong ‘Kinh thi . Phong nhã . Văn vương’ có viết: “Thiên đạo vô thường, người có đức tại vị”, “Thiên mệnh không thường hằng”. Sách ‘Thượng thư . Thái trọng chi mệnh’ cũng viết rằng: “Hoàng thiên không có thân thích, chỉ giúp người có đức”. Còn trong ‘Chương thứ 17 . Lão Tử’ có nói: “Thiên đạo không có thân thích, luôn bên người thiện lương”. Đây cũng chính là nói đến vấn đề: “Trời dùng một người quản lý thiên hạ, không phải lấy thiên hạ dùng để phụng dưỡng một người”.
2. Trời cao làm thế nào để biết được bậc quân vương có làm tốt hay không? Ông lấy lòng dân để thể hiện Thiên ý. Sách ‘Thượng thư . Thái thề thượng’ viết rằng: “Trời nhìn chính là dân nhìn, Trời nghe chính là dân chúng nghe”. Trong ‘Thượng thư . Thái Trọng chi mệnh’ cũng có viết: “Lòng người vô thường, chỉ có ân huệ ôm giữ trong tâm“. Cho nên mới nói, “được lòng dân cũng sẽ có được thiên hạ”. Do đó, Mạnh Tử cũng viết trong cuốn ‘Mạnh Tử . Tẫn Tâm Hạ’ rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, ý là dân là quan trọng hơn cả, xã tắc đứng đằng sau, vua còn nhẹ hơn.
3. Nếu quân vương làm không tốt thì sẽ có ‘cách mệnh’. ‘Dịch cách – Thoán từ’ viết: “Thang Võ cách mệnh, thuận lòng Trời mà hợp lòng dân“. ‘Mạnh Tử’ cũng viết: “Tề Tuyên Vương nói: “Vua Kiệt của nhà Thang phóng túng, lúc này Võ vương phạt Trụ liệu có đúng chăng?” Mạnh Tử đáp: Trong ‘Vu truyện’ cũng có viết về điều này. Ông còn nói thêm: Kẻ phá hư lòng trắc ẩn gọi là tặc, tặc phá hủy nhân nghĩa gọi là tàn, tàn giết người gọi là vũ phu. Xưa này chỉ nghe thấy nói rằng giết một kẻ vũ phu chứ chưa từng nghe nói đến giết vua”. Từ sách ‘Thượng thư’ tới ‘Thang thệ’, ‘Trọng hủy chi cáo’, ‘Thang cáo’, ‘Thái thệ’, ‘Mục thệ’, ‘Võ thành’ đều nói rằng Chư Thiên nhìn rõ người làm quân vương nên mới sắp xếp ‘Thang Võ cách mệnh’.
Đương nhiên, cổ nhân có nói về tam cương ngũ thường, trong đó “Quân vi thần cương” (quân vương làm cầu nối thần tử) cùng với “Thang Võ cách mệnh” có mâu thuẫn hay không? Hậu nhân có nhiều ý kiến bất đồng. Ví như dưới thời Hán Cảnh đế, Hoàng Sinh và Viên Cố Sinh cũng từng tranh luận về vấn đề này ở trước sảnh vua, Tô Thức cũng từng nói “Võ vương không phải là thánh nhân” ở trong ‘Võ vương luận’. Đối với vấn đề này, trong cuốn 51 của bộ sánh ‘Đường Hội yếu’ có ghi chép rằng, Thái Tông giữ vững “Nghịch thủ thuận thủ“, tức là “có thể dùng vũ lực đoạt thiên hạ nhưng khi quản lý thiên hạ thì cần thực thi nền chính trị nhân từ“. Quan điểm này đã đánh trúng điểm mấu chốt.
Vào năm Trinh Quán thứ hai, Thái Tông cùng quần thần thảo luận thời gian dài ngắn của nhà Chu và nhà Tần. Tiêu Vũ đáp: “Trụ vương vô đạo, Võ vương mới đánh tới. Chu và 6 nước vô tội, nhưng vẫn bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt. Tuy đắc được thiên hạ theo cách giống nhau nhưng khi mất lòng dân thì vấn đề lại đem đến kết quả khác biệt”. Thái Tông nói: “Các khanh biết một mà không biết hai. Chu được thiên hạ, tăng cường tu sửa nhân nghĩa. Tần được thiên hạ, vì lợi ích người ở trên mà lừa gạt công sức của mọi người. Loại dài ngắn này sở dĩ cũng có khác biệt. Loại cầm nắm có thể dựa vào nghịch mà đắc được, nhưng nắm được rồi không thể không thuận ý Trời lòng dân vậy“. Tiêu Vũ nghe tới đây liền tạ ơn nhận thua.
Người viết cho rằng, Khổng Tử giảng xã hội thời cổ đại được phân thành 2 giai đoạn là ‘Đại đồng’ và ‘Tiểu khang’. Giai đoạn xã hội đại đồng thực hiện chính là “Thực thi đại đạo, thiên hạ vị công”, cho nên các hoàng đế mới có thể nhường ngôi một cách tự nhiên. Còn giai đoạn xã hội tiểu khang thì “đại đạo đã ẩn, thiên hạ vì gia tộc”, “cố ý dùng mưu để thực hiện, mà việc binh đao cũng bởi vậy nên mới sinh ra”, cho nên việc ‘Thang Võ cách mệnh’ cũng khó tránh khỏi. Thời Tam Đại và Xuân Thu lễ mất nhạc phai, lịch sử tiến nhập giai đoạn đế chế mới, ‘Thang Võ cách mệnh’ càng trở thành cách để thay triều đổi đại. Tuy nhiên, ‘Thang Võ cách mệnh’, người thua sẽ phải nhường ngôi đó là thời thế cho phép làm như vậy. Đặc biệt là lúc này không thể thiếu chính nghĩa, không nghi ngờ không dị nghị. Đương nhiên, người khao khát hướng đến ‘Đại đồng’ như Khổng Tử và tiên sinh Trung Sơn cùng những người khác đều đáng được ngưỡng mộ.

Trong phần mở đầu của cuốn ‘Đế phạm tự’, đầu tiên Thái Tông cũng nhấn mạnh tới ‘Thiên mệnh’, điều này đối với sự thống trị hợp pháp của triều Đường là đang lội ngược dòng. Ngoài ra trong đó còn chứa một thứ, đó là sự tin tưởng, hơn nữa còn là một thứ khác gọi là trách nhiệm. Bậc quân vương thay trời chăm sóc cho dân chúng, cho nên tự nhiên cần phải yêu dân như con, mà thiên mệnh cũng không phải là thứ mà khi thành rồi thì không thể thay đổi, do đó người làm quân vương nếu không muốn bị buộc phải hạ bệ thì cần sớm tối nghiêm cẩn nhắc nhở bản thân, tu thân dưỡng đức, thực thi nền chính trị trong sáng.
Cũng lại nói thêm, những gì người viết đề cập ở trên chủ yếu là tư tưởng Thiên mệnh. Loại tư tưởng này hàm chứa giá trị phổ quát, cũng không phải là để biện hộ cho nền thống trị độc tài hay chuyên chế tàn bạo. Trên thực tế, tư tưởng thiên mệnh là lý niệm tinh hoa trong thực thi chính trị của Trung Hoa cổ đại, nó hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu để thực hiện ở thời đại ngày nay, nó cũng vừa đúng là chế độ cộng hòa thời cận đại. Tiên sinh Trung Sơn hướng đến thiết lập chủ nghĩa Tam Dân, Hiến pháp Ngũ quyền hay một kiểu mẫu xán lạn để giúp cho Trung Hoa mở ra một con đường mới. Đáng tiếc là, phong trào Ngũ Tứ đã bị đánh hạ, hơn nữa còn bị đánh tới điếm của Khổng Tử. Chủ nghĩa Cộng sản đã thừa dịp không người mà vào, cuối cùng cướp đoạt chính quyền, truyền thống Trung Hoa đến lúc này đã đi đến hồi kết thúc.
Vấn đề thứ 2: Thái Tông nghĩ đến ‘thương sinh linh lầm than mà dẹp yên đại nạn’, mỗi ngày đều lo lo lắng lắng
Thái Tông quả nhiên có ‘hình dáng của rồng phượng, mặt trời soi tỏ’. Và quan trọng hơn nữa chính là ông còn có tâm cứu thế an dân. 18 tuổi Thái Tông đã khuyên cha khởi binh. Ông từng viết trong bài ‘Hoàn thiểm thuật hoài’: “Khái nhiên phủ trường kiếm, tể thế khởi yêu danh” (Xúc động cầm thanh kiếm dài, cứu tế thế nhân há vì cầu danh). Tâm thái này thật cân xứng với trách nhiệm cứu thế, cũng nhờ vậy mà Thái Tông đã đạt thành tựu về cả giáo dục và võ học. Tài năng quân sự của Thái Tông quả là có một không hai, bởi vì một nửa giang sơn Đại Đường là do ông lấy về. Điều đáng nói hơn nữa chính là ngay khi xuống ngựa ông còn có thể quản lý giang sơn, đây là điều hiếm thấy ở xã hội thời cổ đại. Nhưng bởi đức dày cùng tâm từ bi và tài năng vượt trội, Thái Tông đã chi phối Thiên mệnh, không ngừng tu thân tiến đức.
Hoàng đế là Thiên tử (Con của Trời), nắm quyền sinh quyền sát, cầm nắm sự an nguy của quốc gia. Cho nên người giữ vương vị, nếu không tự nghiêm khắc ước thúc chính mình thì rất dễ phạm phải sai lầm. Bởi vậy, điều trọng yếu đối với một Thiên tử là cần tự mình tu thân dưỡng đức, tự xét lại bản thân, tự cảnh tỉnh chính mình. Đối với vấn đề an bang trị quốc, Thái Tông không ngừng tự cảnh tỉnh. Ông nói: “Nơm nớp lo sợ, giống như lái chiếc xe gỗ mục, phải thận trọng mỗi ngày, từ đầu đến cuối đều không dám lơ là”. Đây cũng là lý do hàng đầu giúp ông thành tựu được thời đại ‘Trinh Quán chi trị’.
Sự tu dưỡng đạo đức của Thái Tông biểu hiện trên nhiều khía cạnh. Ở đây chỉ đề cập đến 2 điểm.
Đầu tiên là ‘chính tâm’. Thái Tông lấy dân làm tâm. Trong ‘Trinh Quán chính khách . Quân đạo’ có viết lại câu chuyện ông từng nói với quan đại thần rằng: “Đạo làm vua, trước tiên phải bảo vệ bách tính. Nếu tổn hại dân để phục dưỡng bản thân thì chẳng khác nào cắt thịt đùi mình để ăn no bụng, may mắn ăn no mà thân thể chết. Nếu muốn thiên hạ yên ổn thì trước hết cần thân ngay chính, thân không ngay chính thì sẽ có hình dáng cong queo, trên quản mà dưới loạn”. Tấm lòng yêu thương dân chúng của Thái Tông còn được thể hiện qua câu chuyện sau. Vào năm Trinh Quán thứ 2, nạn hạn hán và châu chấu hoành hành, Thái Tông đã hạ chiếu viết: “Nếu khiến ngũ cốc trong năm thu hoạch đủ đầy, thiên hạ an ổn, thì dời tai họa lên thân trẫm, bởi vì xã tắc giang sơn yên ổn, là chỗ bản thân mong muốn, cam tâm không tiếc”.
Thứ 2 là tự giới. Nói về vụ án Đảng Nhân Hoằng. Trong ‘Tư trị thông giám’ quyển 11 có viết như sau: “Nhân Hoằng là người có tài năng và mưu lược, đi đến đâu cũng để lại danh tiếng và thành tích. Hoàng đế Thái Tông rất coi trọng ông ta. Nhưng bản chất người này tham lam, sau khi bị cách chức Tỉnh trưởng Quảng Châu, ông ta bị buộc tội tham ô và đáng bị xử tử. Thái Tông vô cùng đau buồn cho Đảng Nhân Hoằng, ông nói với các cận thần của mình: ‘Hôm qua Trẫm đã xem 5 bản tấu chương muốn giết Nhân Hoằng của Đại Lý Tự, thương người tóc bạc từng cùng chung vai mà quên cả ăn trưa, mong muốn giảm án cho ông ấy. Tuy nhiên, Trẫm chưa tìm được lý do nào thuyết phục giúp ông ấy nhẹ tội’. Bấy giờ Thái Tông cho mời các quan đại thần tới trước điện để hỏi ý kiến liệu có tha chết cho Nhân Hoằng được hay không. Thái Tông có nói rằng: ‘Pháp luật là quân vương thuận theo ý Trời mới thảo ra, không thể vì tình riêng mà bội tín. Nay Trẫm vì Đảng Nhân Hoằng mà mong muốn đặc xá, là hành động gây rối loạn luật pháp, trên là phụ lòng tin của Thiên Thượng. Nay mong muốn đến khu tế tự phía Nam lấy rơm rạ làm đệm, ăn chay tụng niệm 3 ngày để tạ tội với Thượng Thiên’. Phòng Huyền Linh và mọi người nghe xong đều tâu rằng: ‘Hoàng Thượng nắm quyền sinh sát, có thể tự mình định đoạt, hà cớ gì phải hạ mình tự trách như vậy?’ Vì không muốn Thái Tông tự trách phạt bản thân, quần thần đã khấu đầu quỳ trước sân từ sáng tới tối, cuối cùng Thái Tông không tổ chức nghi thức tạ lỗi nữa nhưng vẫn ban chiếu dụ: ‘Trẫm có 3 tội: Quản lý người không minh bạch là một tội, dựa vào tình riêng làm loạn kỷ cương là tội thứ 2. Thấy thiện mà không thưởng, thấy ác mà không loại trừ là tội thứ 3. Dựa vào việc công để can ngăn, lại theo ý mình mà cầu xin‘. Vì vậy cách chức Đảng Nhân Hoằng làm thứ dân, đày đi Khâm Châu”. Bởi tư tâm mà Thái Tông đã làm nghiêng luật pháp nên cần phải tự trừng phạt bản thân, cũng thản nhiên tự giới tâm để bày tỏ với Nhật Nguyệt.
Lịch sử đã ca ngợi Thái Tông là người giỏi tiếp nhận khuyên can, biết lắng nghe lời phải. Nhưng, vì sao Thái Tông lại có thể giỏi nghe lời khuyên can đến vậy? Điểm mấu chốt nằm ở việc Thái Tông có khả năng điều chỉnh lại tâm của mình theo con đường ngay chính, hơn nữa ông còn có năng lực tự giới. Vậy, tại sao Thái Tông lại có khả năng ấy? Điều này có liên quan mật thiết với tư tưởng tín phụng Thiên mệnh của ông.
Bậc quân vương có lòng nhân từ thường được gọi là ‘Thánh nhân’, ‘Thánh thượng’. Đây cũng không phải là từ dùng để khen tặng hoặc nói liều, mà là muốn bậc quân vương “giỏi thuận theo lòng người để cứu giúp dân chúng”. Nói cách khác, trách nhiệm của quân vương là cứu hộ, giáo hóa bách tính; bách tính có tội, người làm quân vương cũng phải chịu trách nhiệm.

Bởi vậy mà người xưa có để lại câu chuyện rằng: “Đại Vũ ra ngoài gặp phải tội phạm, ông xuống xe hỏi mà khóc, người theo hầu hai bên thưa: ‘Nói đến tội phạm không thuận theo đạo, cố tình phạm pháp, cớ gì quân vương phải đau lòng như vậy?‘ Đại Vũ nói: ‘Người dân thời Nghiêu Thuấn toàn lấy tâm của Nghiêu Thuấn làm tâm mình. Hiện tại quả nhân làm quân vương cũng vậy, mỗi bách tính đều lấy tâm của ta làm tâm họ, bởi thế quả nhân mới thấy đau lòng’. Sách viết: ‘Bách tính có tội là ở một người‘”.’Thuyết uyển – quân đạo’ cũng viết rằng, Vũ chứng kiến bách tính phạm tội mà cảm thấy vô cùng áy náy, đau lòng tự trách. Bởi vậy mà ‘Tội kỷ chiếu’ ra đời và trải dài trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, trong ‘Đường Thái Tông toàn tập’ có thể tìm thấy 28 bản chiếu thư ‘Trách tội mình’ của Đường Thái Tông, còn trong ‘Nhị thập ngũ sử’ có thể tìm thấy 260 bản ‘Tội kỷ chiếu’ của các đời hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa.
Vấn đề thứ 3: Dùng lịch sử trị quốc của các triều đại trước để ‘cận giới’ Thái tử
Lập thái tử là việc đại sự quốc gia, cũng là việc khiến Thái Tông đau đầu. Trưởng Tôn Hoàng hậu là bậc mẫu nghi thiên hạ, có công lớn giúp ông thành tựu sự nghiệp ‘Trinh Quán chi trị’, nhưng đáng tiếc là bà mất sớm. Bà sinh được 3 người con trai, Trưởng tử là Lý Thừa Kiền, Tứ tử là Lý Thái, Cửu tử là Lý Trị. Đầu tiên Lý Thừa Kiền được lập làm Thái tử nhưng lại không nên thân, lừa dối và bị phế; Lý Thái có ý thèm muốn ngai vàng nên đã bị gạt bỏ. Cuối cùng lập Lý Trị lên làm Thái tử, bởi vì Lý Trị có lòng nhân từ, không tàn sát huynh đệ tương hỗ. ‘Đế Phạm’ được viết cho Lý Trị (628-683).
Lý Trị lên ngôi, lấy hiệu là Đường Cao Tông, tại vị 34 năm, 6 năm đầu lấy niên hiệu là Vĩnh Huy. ‘Tư trị thông giám’ viết rằng ‘Vĩnh Huy chi trị’ là thừa hưởng của thời Trinh Quán. Có thể thấy rằng Cao Tông cũng không phải là người tầm thường. Nhưng bởi phụ hoàng của ông đã khai sáng thời ‘Trinh Quán chi trị’ (627-649), Hoàng hậu Võ Tắc Thiên trở thành nữ hoàng đế duy nhất ở Trung Hoa, và cháu trai là Hoàng đế Lý Long Cơ đã lập nên Khai Nguyên thịnh thế, hào quang của ông vì thế mà bị lu mờ. Đương nhiên, giá trị của “Đế phạm từ” không được đo lường bằng thành tích chính trị của Cao Tông, bởi vì trong sự nghiệp này còn liên quan đến nhiều nhân tố. Tuy nhiên, Cao Tông thực sự đã được hưởng lợi từ những lời dạy của cha mình.
Lý Trị ra đời vào năm Trinh Quán thứ 2, ‘trưởng thành nơi thâm cung, sở trường làm những việc khéo tay’, cho nên Thái Tông mới nói ông “không hiểu lễ tiết quân thần, chưa biết việc đồng áng gian nan”. Vào năm Trinh Quán thứ 17 (năm 643), Lý Trị được lập làm Thái tử, vấn đề dạy bảo Thái tử cũng khiến Thái Tông mất ăn mất ngủ.
Đầu tiên, Thái Tông thường lệnh cho Lý Trị đi bên cạnh mình và ân cần dạy bảo, lời nói việc làm của ông đều rất mẫu mực. “Mỗi lần Thái Tông thượng triều, thường lệnh Thái tử đứng bên cạnh, để quan sát các quyết định chính sự, hoặc lệnh cho tham gia nghị luận, Thái Tông thấy được mặt thiện của Thái tử nổi trội hơn” – Trích ‘Cựu Đường thư – Cao Tông bản ký’.
Năm Trinh Quán thứ 18, Thái Tông có nói với quan theo hầu rằng: “Xưa có Thai giáo Thế tử, trẫm lại không có thời gian rảnh. Nhưng từ khi lập Thái tử, gặp sự việc gì cũng phải khuyên răn dạy bảo”. Thấy con chuẩn bị ăn cơm liền hỏi: “Con có biết cơm được làm như thế nào không?” Thái tử đáp rằng: ‘Con không biết ạ!” Thái Tông nói: “Phàm là việc đồng áng đều gian nan vất vả, dùng đến nhiều sức người, không lỡ thời vụ, mới có cơm ăn”. Khi nhìn thấy Thái tử cưỡi ngựa, Thái Tông liền hỏi: “Con có biết gì về ngựa không?”, Thái tử đáp: “Con không biết ạ!” , Thái Tông nói: “Có thể thay con người chịu khổ cực, lưu thông tin tức, lực lớn vô cùng, thời thường có ngựa”. Khi nhìn thấy thuyền, Thái Tông liền hỏi: “Có biết thuyền không?” Thái tử nói: “Không biết!” Thái Tông liền nói: “Sở dĩ thuyền có thể so sánh với bậc quân vương, nước có thể ví với lê dân trăm họ, nước có thể chở thuyền, cũng có thể làm lật thuyền. Tương lai con có thể trở thành bậc quân chủ ngay thẳng thì không cần phải sợ”. Khi nhìn thấy một cây gỗ cong, Thái Tông lại hỏi: “Con biết về gỗ chứ?” Thái tử trả lời: “Không biết ạ!” Thái Tông chỉ bảo: “Khúc gỗ dù cong, nhưng nếu trong tay người thợ mộc khéo tay thì có thể khiến nó được sử dụng đúng chỗ. Làm quân vương tuy không có đạo lý cố định nhưng nếu con có thể tiếp thu can gián thì có thể trở thành bậc quân vương thánh nhân”. Lúc này thầy dạy cho Thái tử đi bên cạnh lại nói thêm: “Đại thần Võ Đinh của Thương vương là một vị hiền tướng nổi danh thời cổ đại, có thể nhìn vào để tự soi mình” – Trích ‘Trinh Quán chính khách’ .
Thái Tông sốt ruột dạy bảo Thái tử, thậm chí là “năm Trinh Quán thứ 18, Cao Tông mới được lập làm Thái thái tử, vẫn chưa biết tôn hiền trọng đạo, Thái Tông thường lệnh Thái tử ngủ lại ở điện bên cạnh chỗ mình nghỉ, tuyệt đối không cho Thái tử đến Đông cung” (Trinh Quán chính khách). Lấy tiếp nhận can gián của quan đại thần để điều chỉnh phương hướng.
Thứ hai, lệnh cho tôn sư dạy bảo Thái tử. Vào năm Trinh Quán thứ 6, Thái Tông hạ chiếu lập “Đông cung tam sư”. ‘Tam sư’ tức là Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó, Thái tử Thái bảo, phụ trách việc dạy bảo Thái tử. Năm Trinh Quán thứ 17, Thái Tông nói với Tư đồ Trưởng Tôn Vô Kỵ và Tư không Phòng Huyền Linh rằng: “3 vị thầy của Thái tử là người có đức hạnh và đạo làm người. Nếu thầy giáo phải khom lưng cúi chào thì Thái tử sẽ không học được gì cả“. Vì thế mà Thái Tông đã hạ chiếu thư ghi chú việc Thái tử nhận 3 người thầy rằng: “Thái tử phải ra cửa điện đón, trước bái chào 3 vị sư phụ, 3 sư phụ hỏi thăm đáp lễ, Thái tử mời 3 vị sư phụ vào trước. 3 sư phụ ngồi xong, Thái tử mới được ngồi. Viết bài gửi Sư phụ, trước tên ghi hai chữ ‘kinh sợ’, sau tên ghi kinh sợ kính bái”.
Thái Tông còn soạn ‘Đế phạm’ làm gia huấn hoàng thất. Tiên sinh Bách Dương nói: “Từ khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa, Lý Thế Dân đại đế là đế vương đầu tiên của Trung Hoa và cũng là nhân vật số một được người Trung Quốc ca ngợi sùng bái. Ông đã không để cho thế nhân phải thất vọng. Thành tựu sự nghiệp vĩ đại, mang đến Đại Đường thịnh thế, sáng tạo cho thế giới một hình mẫu vĩnh hằng”. ‘Đế phạm’ là kết tinh tâm huyết suốt đời của Thái Tông. Bộ sách nổi tiếng này quả là “mở ra dấu tích gương xưa, thông suốt sách sử, chắt lọc được ngôn từ quan trọng”, là điều chưa từng có trước đây, có thể thấy được dụng tâm lương khổ của Thái Tông.
Cha giáo dục con trai là điều chân thực không thể thiếu trong nhân tính của mỗi người. Thái Tông soạn ‘Đế phạm từ’, không chỉ nói hết ra tấm lòng cha mẹ khắp thiên hạ đối với con cái mà còn là một tuyên ngôn về “vương đạo”, sẽ mãi mãi soi sáng sử sách.
Theo Epoch Times
San San biên dịch
