Khi tôi đang nhậm chức tại Ô Lỗ Mộc Tề, có một lần, một tướng sĩ mang đến mấy chục tờ giấy, cầm bút lên mời tôi phê duyệt, nói rằng: “Phàm là những ai chết tại nơi đất khách này, linh hồn của họ muốn quay về quê nhà, theo thông lệ là phải có giấy thông hành…

“Duyệt Vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam là một bộ tiểu thuyết chí quái được biên soạn dưới hình thức bút ký, ghi chép lại những câu chuyện ngắn kể về ma quỷ thần tiên, nhân quả báo ứng, khuyến thiện và trừng trị cái ác v.v. Trong đó phần lớn các câu chuyện kỳ dị đều là chính tác giả đích thân trải nghiệm hoặc mắt thấy tai nghe trong thời gian sống ở Ô Lỗ Mộc Tề. Trong “Loan Dương Tiêu Hạ Lục” quyển 1 của “Duyệt Vi thảo đường bút ký” có ghi chép hai câu chuyện sau:

Khi tôi đang nhậm chức tại Ô Lỗ Mộc Tề, có một lần, một tướng sĩ mang đến mấy chục tờ giấy, cầm bút lên mời tôi phê duyệt, nói rằng: “Phàm là những ai chết tại nơi đất khách này, linh hồn của họ muốn quay về quê nhà, theo thông lệ là phải có giấy thông hành. Nếu không linh hồn của người chết sẽ không được vào quan ải”. Bởi vì giấy thông hành này được sử dụng ở âm tào địa phủ, vì vậy không ký bằng bút mực đỏ, con dấu ở trên giấy cũng là màu đen (Trung Quốc thời xưa thường dùng bút lông chấm mực đỏ và dấu đỏ để ký và đóng dấu các công văn). Tôi nhìn thấy chữ viết và cách hành văn trong giấy thông hành đều rất tệ. Tôi nói rằng: “Đây chẳng qua là các sai nha trong thành biến ra cách này để kiếm tiền mà thôi. Cần phải thỉnh cầu tướng quân bỏ quy tắc này đi”. Mười ngày sau, lại có người đến báo cáo với tôi, trong nghĩa trang ở thành tây có ma khóc, bởi vì không có giấy nên không về nhà được. Tôi trách mắng bọn họ ăn nói linh tinh. Rồi lại mười mấy ngày trôi qua, có người đến báo cáo rằng tiếng khóc của các hồn ma càng lúc càng gần thành rồi. Tôi vẫn trách mắng kẻ đó giống như lần trước. Sau đó lại thêm mười ngày trôi qua, có âm thanh gì đó phát ra từ bên ngoài tường chỗ tôi đang ở. Tôi tưởng rằng là đám sai nha đang giở trò, nên vẫn không để ý. Vài ngày sau, âm thanh truyền đến ngoài cửa sổ. Hôm đó có ánh trăng rất sáng, tôi đích thân ra ngoài tìm kiếm xem là chuyện gì, nhưng lại không phát hiện ra ai cả.

Về sau đồng nghiệp của tôi là Ngự sử Quán Thành khuyên tôi rằng: “Đạo lý mà ngài kiên trì là rất đúng. Cho dù là tướng quân cũng không thể trách ngài. Nhưng mọi người đều thật sự có nghe thấy tiếng ma khóc, những hồn ma không lấy được giấy thông hành chắc chắn sẽ oán hận ngài. Sao không thử ký giấy cho chúng, để tạm thời ngăn chặn được miệng lưỡi của kẻ nói linh tinh chứ? Nếu như ma vẫn còn khóc, vậy thì ngài cũng có cái để nói, còn người khác không thể nói được gì nữa”. Tôi miễn cưỡng nghe theo lời khuyên của ông ấy, nhưng không ngờ sau khi ký xong, ngay trong đêm hôm đó không còn nghe thấy tiếng ma khóc nữa.

Còn một chuyện nữa: Có một người phục dịch trong quân đội tên là Tống Cát Lộc, người này làm việc tại phòng in ấn, đột nhiên ngất xỉu xuống đất. Rất lâu sau cậu ấy mới tỉnh lại và nói rằng cậu ấy đã nhìn thấy mẹ mình. Một lúc sau, binh lính trình lên một bản công văn. Tôi mở ra xem, đó là báo cáo của huyện Cáp Mật, nói rằng mẹ của Tống Cát Lộc đến thăm con trai, đã qua đời trên đường đi. Mọi người nói xem, trên đời này đúng là không có chuyện gì là không có! Các nho sĩ bàn luận về chuyện này, đều nói là rất bình thường. Tôi từng viết “Ô Lỗ Mộc Tề Tạp Thi” gồm 160 bài thơ, trong đó có một bài nhắc đến hai câu chuyện này: “Bạch thảo sưu sưu tiếp lãnh vân, quan sơn cương giới thị thùy phân? Ưu hồn lai vãng tùy quan điệp, nguyên quỷ Xương Lê cánh bất văn” (Tạm dịch: cỏ trắng xào xạc đón mây lạnh, ai phân biên cương lập quan ải? Hồn ma qua lại theo giấy quan, nguyên quỷ Xương Lê lại không hay”). Câu thơ cuối muốn nói rằng trong “Nguyên Quỷ” của Hàn Xương Lê không có câu chuyện này. Hàn Xương Lê tức Xương Dũ, ông là một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà triết học, và chính trị gia của nhà Đường.

Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch

Xem thêm:

videoinfo__video3.daikynguyen.tv||b88c178a6__