Dưới trướng Tào Tháo có một mưu sĩ trí dũng song toàn, nhìn xa trông rộng tên là Trình Dục, là một trong những nguyên lão khai quốc của Tào Ngụy…
Trình Dục tên gốc là Trình Dục, tự Trọng Đức, xuất thân tại huyện Đông A, Đông Quận (nay thuộc Đông A tỉnh Sơn Đông). Thân hình ông mảnh khảnh, cao tám thước ba thốn (khoảng hơn 1m90), nuôi một bộ râu rất đẹp, rất giỏi đánh giá góc độ lợi thế, phân tích tình hình thắng bại giữa quân mình và đối phương vô cùng tinh nhạy, nói trực tiếp vào trọng tâm. Trong thời đại Tam Quốc ở vào thế ‘kiềng ba chân’, tình hình nhiều biến động như vậy, tại sao Trình Dục lại chọn đi vào trong doanh trại của Tào Tháo? Trình Dục dường như là có năng lực cảm nhận rất đặc biệt, biết được sứ mệnh của mình là gì. Khi ông còn trẻ, thường xuyên mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ, cảnh trong mơ cho thấy trước sự lựa chọn của cuộc đời ông trong tương lai, cũng cho thấy trước sự lựa chọn của ông trời trong thời loạn thế của Đông Hán.
Giấc mơ nâng mặt trời của Trình Dục
“Ngụy Thư” ghi chép, Trình Dục lúc trẻ thường hay mơ thấy mình đi lên núi Thái Sơn, dùng hai tay của mình nâng mặt trời. Quê hương của Trình Dục ở huyện Đông A, ở phía tây núi Thái Sơn. Trình Dục từng kể lại giấc mơ lạ này cho Tuân Úc nghe (Tuân Úc, tự Văn Nhược, lúc trẻ nổi tiếng là “vương tá chi tài”, là mưu thần đứng đầu trong doanh của Tào Tháo). Mãi cho đến sau này Duyện Châu tạo phản và thu lại lãnh địa của Tào Tháo, lúc này bí ẩn trong mơ của Trình Dục cuối cùng cũng được sáng tỏ.
Vào cuối đời nhà Hán thiên hạ đại loạn, khi giặc Khăn vàng tấn công huyện Đông A, Đông A huyện thừa bắt tay với bọn giặc, đốt cháy kho lương, huyện lệnh cũng bỏ thành mà chạy trốn. Trình Dục trí dũng thống lĩnh dân chúng địa phương phản kháng lại giặc Khăn vàng, cuối cùng thủ thành thành công.
Trong những năm Sơ Bình thời Hán Hiến Đế, Thứ sử Duyện Châu là Lưu Đại chiêu mộ Trình Dục, nhưng bị Trình Dục từ chối. Lưu Đại hòa thân với hai bên Viên Thiệu và Công Tôn Toản, sau này Công Tôn Toản đánh bại đội quân của Viên Thiệu, lại uy hiếp Lưu Đại từ bỏ Viên Thiệu. Lưu Đại vô cùng khó xử, không biết nên quy thuận bên nào, nhiều ngày vẫn không quyết định. Khi đó, Biệt giá Vương Úc (biệt giá là chức quan) kiến nghị ông nên đi thỉnh giáo Trình Dục, bởi vì “Trình Dục có mưu, có thể quyết đoán đại sự”. Thế là Lưu Đại đi thỉnh giáo kế sách của Trình Dục, Trình Dục phân tích mối quan hệ giữa lợi và hại của việc bỏ gần cầu xa và thực hư của hai bên, Lưu Đại nghe theo lời kiến nghị của Trình Dục, quy thuận theo phe Viên Thiệu, sau này Viên Thiệu quả nhiên phản bại thành thắng, diệt được Công Tôn Toản. Lưu Đại khen ngợi Trình Dục trước mặt Viên Thiệu, mời Trình Dục về làm Kỵ đô úy, nhưng Trình Dục lấy cớ bị bệnh nên đã từ chối.
Khi Tào Tháo đưa quân đến Duyện Châu, bèn mời Trình Dục ra làm quan, Trình Dục không chút chối từ, mà đồng ý ngay. Đồng hương của ông vô cùng khó hiểu, liền hỏi Trình Dục: “Tại sao ông luôn từ chối làm quan, lần này lại nhận lời nhanh chóng như vậy?”. Trình Dục chỉ cười mà không trả lời, phải chăng trong lòng ông biết rõ người này (Tào Tháo) có liên quan đến giấc mơ lúc trẻ của ông?
Trình Dục lần đầu đến Tào doanh, Tào Tháo đã cùng ông bàn luận đại sự, còn vui vẻ phong cho ông làm Thọ trương lệnh. Từ đó Trình Dục bày mưu hiến kế cho Tào Tháo, theo ông xuất chinh và thủ thành. Trình Dục và Tuân Úc giúp Tào Tháo giữa được ba tòa thành của Duyện Châu, đó là một công lao lớn của ông trong thời trẻ.

Tào Tháo thống lĩnh Duyện Châu tự lên làm Trấn Đông tướng quân. Năm Hưng Bình đầu tiên, đại quân Tào Tháo xuất chinh tới Từ Châu, để lại một chút binh lực, lệnh cho Trình Dục và Tuân Úc ở lại giữ Quyên Thành. Sau khi Tào Tháo xuất binh, Trương Mạc và Trần Cung tại Duyện Châu tạo phản, âm thầm đón Lã Bố vào. Khi đó phần lớn các đốc tướng đại sứ đều bí mật thông đồng tạo phản với Trương Mạc và Trần Cung, các quận huyện trong khu vực Duyện Châu lũ lượt hưởng ứng, chỉ có ba chỗ Quyên Thành, Phạm Huyện, huyện Đông A là án binh bất động. Tướng lĩnh của Lã Bố trong quân doanh truyền lời nói rằng Trần Cung sẽ thống lĩnh binh sĩ đi chiếm huyện Đông A, lại lệnh Phiếm Nghi chiếm lấy Phạm Huyện, nhất thời gây ra không khí hoảng loạn lo sợ ngập tràn trong dân chúng.
Tuân Úc bàn bạc với Trình Dục: “Duyện Châu tạo phản, hiện nay chúng ta chỉ giữ được ba nơi Quyên Thành, Phạm Huyện và Đông A. Trọng binh của Trần Cung lại sắp đánh đến dưới thành, nếu như không thể liên kết chặt chẽ lòng dân lại với nhau, ba nơi chắc chắn sẽ lung lay. Ngài là kỳ vọng của người dân Đông A (Trình Dục là người nổi tiếng ở Đông A), ngài quay về thuyết phục họ, chắc có thể giữ được ba thành!”.
Thế là Trình Dục nhanh chóng từ Quyên Thành xuất phát quay về quê nhà, đi qua Phạm Thành, thuyết phục huyện lệnh Cận Doãn rằng:
“Nghe nói Lã Bố bắt mẫu thân, đệ đệ và thê tử của ngài, điều này thực sự khiến hiếu tử đau lòng buồn khổ! Hiện nay thiên hạ đại loạn, anh hùng cùng nhau trổi dậy, nhất định sẽ có nhân vật kiệt xuất nổi tiếng thiên hạ có thể đến bình ổn trận thiên hạ đại loạn này, người thông minh sống trong đại loạn cần phải thận trọng lựa chọn. Chọn đúng người được Trời ban mệnh, người chiến thắng thì hưng, người thất bại thì vong!
Trần Cung tạo phản nghênh đón Lã Bố, hiện nay trăm thành đều hô ứng, nhìn giống như có thể có chút thành tích. Tuy nhiên theo như ngài quan sát, Lã Bố là người ra sao? Chỉ là kẻ thất phu thô bạo tàn nhẫn, cố chấp vô lễ mà thôi. Đám người của Trần Cung vì thời thế mà giả vờ hợp tác với hắn, không thể giúp đỡ cho ngài gì cả. Tuy hắn có rất nhiều binh, nhưng chắc chắn cuối cùng không thành được gì. Thứ sử Tào Tháo trí lược vô song, là người được ông trời lựa chọn! Ngài nhất định phải cố thủ Phạm Huyện, tôi thủ Đông A, thì có thể lập được công lao Điền Đan phục quốc (ý muốn nói công lao to lớn giống như Điền Đàn khôi phục nước Tề). Ai lại phản bội lòng trung thành để đi theo kẻ đại ác mà khiến cho mẫu tử đều diệt vong chứ? Hy vọng ngài suy nghĩ kỹ lưỡng!”.
Cận Doãn khóc lóc nói rằng: “Không dám có hai lòng!”.
Khi đó Phiếm Nghi đã ở bên trong thành Phạm Huyện, thế là Cận Doãn tiếp kiến Phiếm Nghi, và bày kế mai phục binh lính thích sát hắn, vì vậy mà Cận Doãn giữ được Phạm Thành. Trình Dục cũng quay về quê nhà ở huyện Đông A, đoàn kết lòng dân lại, giữ được Thành Đông A. Thế là ba tòa thành trì: Quyên Thành, Đông A Thành, Phạm Thành được giữ vững. Lã Bố đưa quân đến Quyên Thành, không công được thành, liền đóng quân tại Bộc Dương ở phía tây. Khi ấy vừa hay Tào Tháo từ Từ Châu quay về, đưa quân công đánh Lã Bố, Lã Bố bại trận bỏ chạy.
Kỳ mộng tiết lộ thiên cơ
Tào Tháo lấy lại Duyện Châu, lúc này, Tuân Úc đem giấc mơ năm xưa của Trình Dục kể cho Tào Tháo nghe. Tào Tháo nghe xong rất cảm động, nói với Trình Dục rằng: “Ông phải làm tâm phúc của ta cả đời đó!”. Họ tên ban đầu của Trình Dục lúc bấy giờ là “Trình Lập”, Tào Tháo thuận theo điềm báo trong giấc mơ, thêm một chữ “nhật” vào chữ “lập” của ông (vì Trình Dục mơ thấy mình hai tay nâng mặt trời), từ đó “Trình Lập” chính thức đổi tên thành “Trình Dục”. Tào Tháo vô cùng tín nhiệm Trình Dục, sau này có người vu khống Trình dục mưu phản, Tào Tháo vốn dĩ không bị lung lay chút nào.
Trong giai đoạn Duyện Châu rối loạn, may nhờ có Trình Dục chạy đi sắp xếp mọi chuyện, mới bảo toàn được căn cứ chắc chắn để lấy lại được Duyện Châu. Vì công lao lần này, Trình Dục được phong làm Đông Bình Tướng, về sau Trình dục lại còn lập được nhiều mưu lược, chiến công, trở thành công thần khai quốc của Tào Ngụy. “Nhật” (mặt trời) trong thiên tử là sự tượng trưng của thiên tử (tức vua), giấc mơ nâng mặt trời trên núi Thái Sơn của Trình Dục dự đoán trước ông sẽ trợ giúp Tào Tháo xây dựng giang sơn của Tào Ngụy. Tào Tháo là người con được trời chọn kết thúc cục diện rối loạn của Tam quốc, đặt nền móng thành lập đất nước của triều đại Tào Ngụy. Sau khi Tào Phi lên xưng đế, truy phong Tào Tháo làm Vũ hoàng đế, miếu hiệu Thái Tổ.
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch