Người sống ở đời, theo lẽ thường, có vay thì có trả. Thiếu nợ mà không hoàn trả chính là tự gieo nghiệp vào thân, nhân quả tuần hoàn, sớm muộn đều phải hoàn trả không sai chạy dù chỉ một ly, sớm thì quả báo đến trong đời này, muộn thì những đời sau phải hoàn trả nốt. 

Trong kinh điển nhà Phật có câu: “Vì sao kiếp này thân trâu ngựa, ấy bởi đời trước nợ người trả không hết”. Đó chính là báo ứng theo luật nhân quả mà kẻ thiếu nợ phải chịu. Có rất nhiều câu chuyện trong lịch sử đã minh chứng rằng lục đạo luân hồi không phải là hư cấu bịa đặt. Rất nhiều câu chuyện kể về những người vì thiếu nợ mà phải chuyển sinh thành súc vật để hoàn trả.

Sau đây là một số câu chuyện như vậy.

Câu chuyện 7: Kiếp trước thiếu nợ người, đời sau chuyển sinh thành súc vật hoàn trả

Vào năm thứ 8 niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy (Trung Quốc), ngoài 40 dặm phía đông nam thành Nghi Châu, Quảng Tây có một hộ gia đình họ Hoàng Phủ, nhà có bốn anh em. Ngoài đứa con trai thứ hai là Hoàng Phủ Thiên thường giao du với bạn bè xấu, cả ngày chơi bời lêu lổng không chịu làm ăn ra, thì mấy anh em khác đều chăm chỉ làm ăn, hiếu thảo nhân từ.

Một ngày kia, mẹ của bốn anh em cầm 60 tiền chuẩn bị ra chợ mua đồ, bà tiện tay để tiền ở chiếc giường trong phòng, sau đó ra sau nhà bận chút việc. Lúc này, vừa khéo đứa con thứ hai ở ngoài về, đi vào trong phòng nhìn thấy tiền để trên giường, ngó quanh không thấy ai, anh ta liền cuỗm mất số tiền đó.

Bà cụ vào nhà tìm không thấy tiền, cũng không biết là thằng con thứ hai đã lấy đi, bèn chất vấn cả nhà. Cả nhà lớn nhỏ đều không ai nhận, bà cụ càng tức giận, liền đánh đòn cả nhà. Mọi người đều thầm nguyền rủa kẻ đã lấy trộm tiền đó.

Hai năm sau, Hoàng Phủ Thiên mất, ông đầu thai vào bụng con heo mẹ trong nhà. Mấy tháng sau, heo con chào đời. Khi con heo này được hai tuổi, do tháng Tám trong nhà phải cúng Thần Thổ địa, cần dùng đến tiền, thế là bèn bán con heo đó cho trưởng làng ở làng kế bên với giá 600 tiền. Trưởng làng trả tiền xong liền mang con heo đi.

Đêm đầu tiên sau khi bị bán đến nhà trưởng làng, con heo mà Hoàng Phủ Thiên chuyển sinh này đã báo mộng cho người nhà mình. Trước tiên nó báo mộng cho người vợ đời trước. Nó dùng cái mũi heo chạm vào người bà, nói: “Ta là chồng nàng đây, bởi khi sống ta đã lấy trộm 60 tiền của mẹ, báo hại cả nhà bị đánh đòn oan, vậy nên đời này bị phạt làm heo trả nợ. Hôm nay, mọi người đã bán ta cho trưởng làng kế bên, người ta trói ta lại chuẩn bị mang ra giết. Nàng là vợ ta, xin hãy nói với người nhà mau mau đến chuộc ta về”.

Vợ Hoàng Phủ Thiên sau khi mơ thấy vậy, liền giật mình tỉnh dậy, nhưng lại cảm thấy chuyện này thật quá khó tin, liền nằm xuống ngủ tiếp. Sau đó lại lặp lại giấc mơ khi nãy, lần này bà tin là thật, vội vàng xuống giường mặc quần áo, đến sảnh đường báo lại với mẹ chồng. Ngờ đâu mẹ chồng đã ở sảnh đường đợi sẵn, bởi bà cũng có giấc mơ tương tự. Không chỉ như vậy, con cái của Hoàng Phủ Thiên cũng đều mơ thấy như vậy.

Thế là, cả nhà suốt đêm chuẩn bị đi chuộc con heo do Hoàng Phủ Thiên chuyển sinh mang về. Vợ Hoàng Phủ Thiên bảo con trai mang theo 1200 tiền cùng đi với bác cả. Bà mẹ căn dặn con trai rằng: “Nếu trưởng làng không chịu thả con heo, thì hãy bồi thường cho họ khoản tiền gấp đôi”. Cả nhà sợ trời sáng heo sẽ bị giết mất, bèn cưỡi ngựa đi ngay trong đêm.

Đi được ba mươi mấy dặm, họ đã đến nhà trưởng làng. Con trai của Hoàng Phủ Thiên sợ sẽ làm nhục gia môn, không có nói con heo này là cha của mình chuyển sinh, chỉ nói muốn chuộc heo về. Nhưng trưởng làng lại không chịu, bởi thời gian bái Thần Thổ Địa sắp đến rồi. Hai bên thương lượng hồi lâu, trưởng làng cũng không chịu nhượng bộ.

Người anh và con trai của Hoàng Phủ Thiên đều rất lo lắng, sợ trưởng làng thật sự sẽ giết mất heo, liền tìm đến người quen nói giúp. Người này từng nhậm chức huyện lệnh, có học vấn, rất được mọi người tín nhiệm và tôn trọng. Hai người nói rõ đầu đuôi ngọn nguồn với người này, mong ông đứng ra giúp đỡ. Cuối cùng đã chuộc được heo về.

Sau khi chuộc được heo rồi, anh trai và con trai của Hoàng Phủ Thiên liền lùa nó đến một cánh đồng hoang. Người anh nói với con heo: “Nếu ngươi thật sự là em trai ta, thì ngươi có thể tự mình tìm đường về nhà”. Con trai cũng nói: “Nếu ngươi thật sự là cha ta, thì ngươi tự có thể về nhà được”. Sau khi con heo nghe nói, liền tự mình chạy thẳng về nhà.

Dần dà, mọi người trong làng đều biết con heo này là Hoàng Phủ Thiên chuyển sinh, con cái của ông đều cảm thấy rất mất mặt. Những người trong làng có hiềm khích với họ còn lấy câu chuyện con heo để chế nhạo họ. Do vậy họ đã nói riêng với con heo rằng: “Cha ơi, bởi khi sống cha đã làm chuyện xấu, nên bị báo ứng chuyển sinh thành heo. Chúng con là con cái do vậy chẳng còn mặt mũi để nhìn mặt ai. Khi sống cha là bạn thân với Từ Hiền, hai người giao tình sâu dày. Hay là cha đến ở nhà họ Từ đi, chúng con sẽ thay nhau mang cơm đến cho cha”.

Con heo nghe thấy con cái nói như vậy, buồn chảy nước mắt đi đến Từ gia. Nhà họ Từ cách nhà họ hơn 40 dặm đường. Năm thứ 11 niên hiệu Đại Nghiệp, con heo này đã mất ở Từ gia.

Năm Vĩnh Huy, Đường Cao Tông nhà Đường, Lộ Bá Đạt người huyện Hiếu Nghĩa, Phần Châu, thiếu nợ người cùng huyện 1000 tiền. Sau ông chối bỏ việc thiếu nợ người ta tiền, nhất quyết không chịu trả. Mãi cho đến khi đối phương đưa giấy nợ ra, ông ta mới cùng người ta thề trước tượng Phật rằng: “Nếu tôi không trả tiền cho ông ta, nguyện sau khi tôi chết, sẽ làm trâu nhà họ”. Lời thề phát ra chưa được một năm, Lộ Bá Đạt đã đột tử. 

Hai năm sau, trâu mẹ của nhà chủ nợ sinh một con nghé. Trên trán con nghé này có lông trắng viết 3 chữ “Lộ Bá Đạt”. Con cháu của Lộ Bá Đạt đều rất xấu hổ, muốn dùng 5000 tiền chuộc nó về, nhưng chủ nợ không đồng ý. Về sau, chủ nợ bố thí con trâu này cho tăng nhân trong chùa Khải Phúc, huyện Hiển Thành, hơn nữa ông còn giúp xây tháp Phật 15 tầng. Những người nhìn thấy con trâu này đều không dám khởi tâm làm điều xấu, tin sâu nhân quả, hơn nữa đều vui vẻ quyên tiền làm công đức bố thí. 

Chuyển sinh làm trâu ngựa để trả nợ

Trên trang mạng Chánh Kiến có một bài viết rất hay: “Kiếp trước kiếp này: Người chưa bao giờ cưỡi lừa”. Tác giả Đường Hiểu Vu quen biết một người đàn ông có khả năng nhìn thấy tiền kiếp, ông luôn kể rằng chuyện động vật luân hồi chuyển sinh là hoàn toàn có thật.

Cũng bởi vậy, ông chưa bao giờ cưỡi lừa, cho dù đi đường xa có mệt tới đâu ông cũng đều dắt lừa mà đi. Trâu cũng vậy, ông không bao giờ ngồi lên nó mà cưỡi. Nguyên nhân là bởi ông có thể nhìn thấy kiếp trước của một sinh mệnh, nhìn thấy những con lừa và trâu là bạn thân hoặc người nhà trong tiền kiếp nên ông không dám cưỡi.

Ông nói, thông thường các loại súc vật trong nhà như trâu, bò, ngựa, lợn… đều là con người chuyển thế để trả nợ. Kiếp trước thiếu nợ của gia đình nào đó không trả hoặc không trả được thì kiếp này phải hóa thành trâu ngựa để trả nợ, thiếu nợ thứ gì hay thiếu nợ của ai đều nhất định phải hoàn trả.

Trong dân gian người ta vẫn thường coi lời thề là lời nói gió bay, nên mới tuỳ tiện thề rằng: “Kiếp sau xin được làm trâu làm ngựa để báo đáp”. Đây thực sự không phải là lời nói đùa, nếu thực sự kiếp này không hoàn trả kiếp sau nhất định phải trả. Đó là quy luật bất biến trong vũ trụ này.

Ông còn kể lại một câu chuyện có thật của chính người hàng xóm. Gia đình người hàng xóm nọ có 3 anh em trai, cha của họ đã qua đời. Vài năm sau, trong một lần đi chợ người hàng xóm phát hiện con lừa ở làng bên cạnh chính là cha của anh ta chuyển thế. Kiếp trước thiếu nợ nên kiếp này ông phải hóa thành lừa để báo đáp. Vì thương cha, ba anh em liền bàn nhau mua lại con lừa về nhà chăm sóc bởi họ tin rằng nợ nghiệp nhất định phải hoàn trả.

Đức Phật từng giảng lục đạo luân hồi, con người sau khi chết đi có thể chuyển sinh thành người, động vật hoặc thực vật… Những việc tốt, xấu của mỗi người đã từng làm trong đời này không phải chết đi là kết thúc mà sẽ có những biểu hiện báo ứng để trả nợ.

Nhà triết học David Hume từng nói động vật trong rất nhiều phương diện đều rất giống con người. Vậy nên, chúng ta không thể nói rằng, chỉ có con người mới có linh hồn, còn động vật thì không có cái gọi là linh hồn được. Cách nói của Hume không chỉ hợp với quy luật khách quan, mà cũng khớp  với những điều được giảng trong tôn giáo và văn hóa tâm linh của nhân loại trong suốt mấy nghìn năm nay.

Nếu như sinh mệnh con người chúng ta thật sự là có tồn tại luân hồi, thì tất nhiên động vật cũng có thể có luân hồi. Nếu như con người và động vật đều có luân hồi, vậy thì con người và động vật có luân hồi qua lại với nhau cũng là chuyện không có gì khó hiểu.

Vũ trụ rộng lớn, nhân quả tuần hoàn không có sai chạy dù chỉ một ly. Có những lúc, chúng ta tỏ ra vui sướng vì đã chiếm được tiện nghi hay lấy được thứ gì tốt từ người khác, nhưng không biết rằng bản thân mình đến một lúc nào đó cũng sẽ phải hoàn trả tương ứng, đúng thật là “cái lợi chẳng phải cái hay, hại người rồi cũng thành ra hại mình”. 

Theo Epochtimes, Zhengjian
Vũ Dương biên dịch và tổng hợp