Vào tháng 7 năm 1402, Yến Vương Chu Đệ tổ chức nghi lễ tế tự thiên địa tại ngoại thành phía nam, chính thức lên ngôi hoàng đế, một năm sau thay đổi niên hiệu, lưu lại dấu mốc năm Vĩnh Lạc đầu tiên. Toàn bộ chế độ chính trị, định chế xã hội vẫn được tuân thủ theo thời kỳ trị vì của Minh Thái Tổ, lấy miếu hiệu Minh Thái Tông (sau đó được thay đổi là Minh Thành Tổ), ông là vị hoàng đế cao minh lỗi lạc, có nhiều cống hiến vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng, kiến lập lên một trong những vương triều huy hoàng bậc nhất xuyên suốt lịch sử Đại Minh. Với tư cách là người nắm quyền lực tối cao, Chu Đệ hùng tài đại lược thừa hưởng những đức tính cao đẹp của Chu Nguyên Chương như siêng năng, cần kiệm, thấu hiểu cảm thông với bách tính, đồng thời cũng không bị ảnh hưởng bởi các mặt hạn chế như nghi kỵ, võ đoán như vương phụ vào những năm cuối đời. Là người quả cảm, anh tuấn uy vũ, tôn nghiêm cai quản thần dân song không hề độc đoán mà khéo léo thu nạp ý kiến khuyên nhủ can gián, chủ trương “lấy khoan hồng để thi hành luật pháp”, “lấy chân thành để đối đãi nhân dân; Ông không chỉ chú ý bảo tồn phát huy thành tựu của những bậc tiền bối, mà hơn thế còn dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp kiến thiết đất nước, đưa Minh Triều trong những năm Vĩnh Lạc bước vào thời kỳ phát triển huy hoàng phồn vinh thịnh thế.
Cần chính và khiêm nhường tiếp thu lời can gián
Cũng giống như Minh Thái Tổ, Minh Thành Tổ là một vị hoàng đế cần mẫn, chính trực, tuy thông minh khôn khéo tài giỏi, nhưng không hề tự mãn, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tố chất khiêm nhường thấu tình đạt lý, biết lắng nghe thu nạp ý kiến khuyên ngăn can gián, đây chính là một trong những phẩm chất trọng yếu mà mỗi quân vương nhất định phải bồi dưỡng trên cương vị là người đại diện cho quyền lực tối cao.
Đại đa số các bậc vương đế qua nhiều thế hệ triều đại lịch sử đều thực thi chính sách tương tự như chỉ thiết triều một lần vào buổi sáng sớm để xử lý chính sự, rất hiếm khi thượng triều vào buổi tối, nhưng trong khoảng thời gian Minh Thành Tổ tại vị thì không như vậy, bên cạnh việc thiết triều vào buổi sáng, ông còn triển khai thêm một lần thượng triều nữa vào buổi tối (vãn triều). Sau khi vãn triều, ông giữ lại những bề tôi thân cận trong lục bộ Thượng thư để tiếp tục thương thảo bàn bạc những vấn đề trọng yếu. Nguyên nhân là vì trong buổi triều sáng có quá nhiều tấu chương thư sớ, thời gian bị bó hẹp không đủ để trao đổi thảo luận với các đại thần, còn buổi tối thượng triều thì sự việc phát sinh tương đối ít, có nhiều thời giờ hơn. Lúc này, ông cho phép các đại thần được tự do phát biểu quan điểm, tiến hành thảo luận một số vấn đề cụ thể, trao đổi đề xuất ý kiến.

Sau khi Thành Tổ lên ngôi hoàng đế, ông truyền hiểu dụ tới các quần thần: “Phần lớn tài năng và kiến thức trong mỗi con người là không giống nhau, có thể trên phương diện này là sở trưởng nhưng trên khía cạnh khác lại tồn tại những yếu điểm hạn chế, nếu như đã từng phạm phải những sự cố sai lầm sơ xuất, có thể lập tức chỉ điểm ngay, ta sẽ không trách cứ luận tội. Ngược lại, nếu bưng bít không thừa nhận, một thời gian lâu sau bị phát giác, sự việc đến khi đó có khác nào hành vi lừa gạt, theo pháp tắc không thể khoan hồng, dung thứ.” Thông qua những lời hiểu dụ này nhằm cảnh tỉnh các quan đại thần cần nghiêm túc tu chỉnh những sai lầm của bản thân.
Thành Tổ cũng thường xuyên khích lệ các đại thần mạnh dạn đề xuất ý kiến, nói lời khẳng khái chân thật, ông cho rằng “trực ngôn” so với “dũng cảm hành động” lại càng trân quý hơn. “Một đại thần can đảm quyết đoán hành sự thì không khó tìm, nhưng một đại thần phát ngôn thẳng thắn cương trực lại vô cùng hiếm thấy, có lẽ bởi vì một người quả quyết hành động sẽ bồi dưỡng nhiều hơn cho bản thân họ, còn kẻ bộc trực đề xuất ý kiến lại mang đến nhiều lợi ích hơn cho bậc quân vương, vậy nên phong cách Vương, Ngụy ngày càng ít xuất hiện hơn. Nếu có thể khiến một người đưa ra ý kiến thật thoải mái mà không hề do dự sợ hãi, thì người lắng nghe tiếp nhận ý kiến đó cũng sẽ không nảy sinh bất kỳ mâu thuẫn hay tâm lý chống đối nào, vậy hà cớ gì còn phải lo âu phiền não không thể trị vì thiên hạ thái bình phồn vinh?” Ông còn hạ lệnh cho các quan lại trùng tu lăng mộ của Tranh Thần Tỷ Can. Đứng trên quan điểm nhận định của Thành Tổ, “Quân vương cần coi trọng lễ nghĩa thiện đãi quần thần, quần thần sẽ một lòng trung thành phụng mệnh quân vương, Quân – Thần dốc tâm tận lực giữ trọn đạo nghĩa, đề cao bổn phận bản thân”.
Đối với những quan viên trực ngôn thẳng thắn, Thành Tổ biểu dương và ban thưởng, về phía một số vị không thành khẩn bộc bạch thì ông phê phán, chỉ trích. Đơn cử như vào năm đầu tiên của niên hiệu Vĩnh Lạc, tại Chiết Giang có một vị giáo dụ (Chú thích: Người phụ trách quản lý lễ nghi cúng tế, hướng dẫn chỉ dạy cho các học sinh, tú tài trong huyện ở miếu Khổng Tử) đã dâng trình tấu thư, đề xuất một số công tác cần thiết nên được thực thi tại địa phương, Thành Tổ liền thông cáo ban thưởng cho anh ta, đồng thời ban tấu thư đó cho các quan đại thần truyền tay nhau đọc, với hy vọng những bề tôi kề cận bên mình cũng có thể làm được như vậy.
Vào một năm nọ, Thành Tổ hạ lệnh cho Lại bộ tiến hành lựa chọn một số quan viên đáp ứng các tiêu chí như đã nhiều năm công tác ở các châu huyện, thấu hiểu quan tâm đến nỗi thống khổ của bách tính, hành sự chu đáo, có năng lực nhằm tuyển vào kinh đến Lục Bộ nhậm chức. Sau khi đưa họ đến kinh đô, Thành Tổ đề nghị mỗi người mạnh dạn bày tỏ ý kiến, chỉ ra những sơ suất, những mặt hạn chế về chính trị tại từng địa phương, tuy nhiên thoạt đầu không có ai dâng trình tấu thư. Thành Tổ rất không hài lòng, hạ lệnh mời các quan viên liên quan lên triều diện kiến, truyền đạt lại nỗi bất mãn cũng như niềm hy vọng mong mỏi của bản thân, đồng thời ông còn bùi ngùi than thở với các bề tôi thân cận rằng “một đại thần phát ngôn thẳng thắn cương trực quả thật vô cùng hiếm gặp”, và một lần nữa ông nhắc nhở các quan đại thần cần thường xuyên chỉ ra những điểm sai sót, những khiếm khuyết của bản thân.
Năm Vĩnh Lạc thứ năm, Tưởng Văn Đình – vốn là một vệ binh ở Khai Bình đã dâng tấu thư trình bày về việc một số quan lại trong quá trình đi thu mua tất cả các loại đồ vật, nguyên liệu của nhân dân, tuy lấy danh nghĩa mua bán nhưng trên thực tế chính là cưỡng chế giành giật của bách tính, khiến dân chúng hết sức bất bình. Nếu như là sản phẩm địa phương thì họ còn có thể xoay sở được; nếu không thì bắt buộc phải dùng đủ mọi phương cách để kiếm tìm, đến mức tán gia bại sản, vì vậy anh ta đề nghị sau này nếu quan lại làm càn lấy của bách tính một đồng, thì cần phải đánh giá việc đó tương tự như hành vi nhận của cải tài vật trái pháp luật. Nếu là những nguyên liệu đồ vật không sẵn có tại địa phương, thì không nên để các quan lại đến thu giữ. Thành Tổ đã tiếp nhận lời kiến nghị này.
Thành Tổ còn hết sức chán ghét những quan viên a dua nịnh hót. Một lần nọ, quan bố chính Quý Châu trong bản tấu chương viết rằng: Ân chiếu của Hoàng Thượng đạt đến phủ Tư Nam, giữa dãy núi Thái Nham hùng vĩ vang lên âm thanh “vạn tuế” tựa như sấm truyền, đây chính là sự linh nghiệm của non sông điệp trùng cùng với sự oai phong uy vũ và ân huệ của Hoàng Thượng! Một số quan đại thần nghe được câu chuyện này liền tấp nập kéo nhau vào cung chúc mừng Minh Thành Tổ. Thành Tổ biểu hiện vẻ không vui, nói rằng: “Trên đỉnh núi mà hò hét lớn tiếng thì thiên sơn vạn cốc đều sẽ đáp lại, đây vốn dĩ một việc hết sức bình phàm, các khanh muốn dùng những lời a dua xu nịnh này để đổi lấy sự cao hứng, hoan hỉ của trẫm ư, quả thực đây không phải là hành vi của bậc hiền nhân quân tử!”.
Đối với những sự việc tốt lành cát lợi, Thành Tổ cũng thận trọng đối đãi. Vào năm Vĩnh lạc thứ nhất, hai huyện Thiểm Tây Hưng Bình và Phượng Tường tiến vua tặng phẩm thụy mạch (một loại lúa mì quý), quần thần dâng tấu chương chúc mừng, xem đây là một điềm lành thông cáo thiên hạ thái bình, ân đức quảng đại thiêng liêng cao quý. Thành Tổ từ tốn nói với Lễ bộ Thượng thư – Lý Chí Cương cùng những đại thần khác rằng: “Thụy mạch tất nhiên tượng trưng cho sự tốt lành, song bốn phương xa gần, nếu như vạn vật luôn tìm được vị trí, tìm được nơi cư ngụ thích hợp cho mình, như vậy có thể nói là an yên, là thái bình. Nhưng hiện tại có thật sự không còn một ai mà biểu hiện bên ngoài hay trong tâm thức đều không mang nặng oán khí phẫn nộ hay không? Trẫm đọc những trang tấu chương chỉ cảm thấy thêm phần hổ thẹn. Quân – Thần sớm chiều cận kề tương hỗ nên dùng sự chân thành trung thực để biểu đạt sự coi trọng trân quý lẫn nhau, còn xu nịnh không phải là tác phong của người nắm quyền trị trì thiên hạ”.
Tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 2, Chu Vương dâng lễ vật tế tự là một nhân thú ZouYu (một loại động vật có thân và đầu của hổ, lông trắng, vằn đen, đuôi dài trong truyền thuyết thần thoại cổ đại Trung Quốc), sau khi quần thần thượng triều chúc mừng, Thành Tổ chia sẻ với các bề tôi thân cận rằng: “Vừa nghe được những lời nói của các quần thần, bất giác sợ hãi. Thiên hạ bao la rộng lớn, nếu như vẫn còn một người ôm giữ oán khí phẫn nộ, thì sao có thể nói là “Nhân” (nhân từ bác ái)? Một niệm không trung thực chân thành, thì sao có thể cảm động đến thiên thượng? Trẫm đang ngày đêm lo nghĩ ưu phiền, sao có thể nói Châu Ngu là trời ban điềm lành cho trẫm chứ?”. “Điềm lành xuất hiện, rất dễ khiến người ta cao ngạo tự mãn. Những bậc minh quân cổ đại khi đối diện với điềm lành đều tự cảnh tỉnh bản thân, không thể vì điềm lành mà biếng nhác buông lơi. Nếu Châu Ngu quả thực là tín hiệu của tốt lành cát lợi, trẫm càng phải thêm phần lưu tâm cẩn trọng hơn nữa”. Những sự việc tương tự ắt sẽ còn tiếp diễn rất nhiều lần.
Một ngày nọ, Thành Tổ đến Vũ Anh Điện đọc cuốn “Tồn tâm lục”, sau đó nói với cận thần Hàn Lâm: “Trẫm vừa xem được nội dung về (Nam Yến) Mộ Dung Siêu khi đang tổ chức nghi lễ tế tự ở ngoại thành thì bỗng xuất hiện một dị thú ở bên cạnh đàn tế lễ, Tùy Dạng Đế cũng gặp trận bão lớn khi đến Hoàn Khâu cúng bái, nghi thức còn chưa kịp hoàn thành đã buộc phải kết thúc, sau này hai người đó yểu mệnh qua đời. Cổ nhân dạy rằng duy chỉ có đức hạnh mới cảm động được đất trời, không có đức cũng kinh thiên động phách. Hành thiện ban cho điềm lành, bất thiện giáng xuống tai ương”. Cũng nói thêm rằng: “Tất nhiên trong lúc tế tự cần tỏ lòng thành kính, nhưng nhất định ngày ngày phải tích lũy gom góp thiện hạnh mới có thể gặt hái phúc phận. Nếu ngày ngày hành động phản đạo bối đức, chỉ khi tế tự mới biểu hiện sự tôn sùng kính cẩn, điều này sao có thể xứng đáng nhận được phúc báo theo nhân luân đạo lý?
Mùa hạ năm Vĩnh Lạc thứ tư, vị thầy tế tự của Lễ bộ Từ – Lang trung Chu Nột đã dâng trình tấu thư mời phong thiện (mời đức vua lên núi Thái Sơn cúng tế trời đất), Thượng thư Lã Chấn thỉnh cầu Thành Tổ tiếp nhận lời đề nghị này. Thành Tổ liền trả lời Lã Chấn rằng: “Mặc dù trước mắt thiên hạ an yên vô sự, nhưng thi thoảng lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh vẫn có thể hoành hành. Trẫm mỗi lần nghe nói đến việc các quận huyện thượng tấu, trong lòng không khỏi bất an lo sợ, làm sao dám tự thừa nhận rằng thiên hạ thái bình? Huống hồ đến cả Đường Thái Tông cũng chưa từng phong thiện, Ngụy Trưng cũng thường lấy bậc thánh Nghiêu Thuấn đến xem xét Thái Tông. Các khanh muốn đặt vị thế của Trẫm đứng dưới Thái Tông, hay giống như Ngụy Trưng yêu quân vương. Các khanh nên lấy “tấm gương” của cổ nhân mà “soi mình” học hỏi, luôn luôn nỗ lực cố gắng, mới có thể không phụ hết thảy những trọng trách đang đảm đương gánh vác trên vai”.
(Còn tiếp)
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch