Mục lục bài viết
Tưởng Giới Thạch phát hiện ra rằng việc Liên Xô viện trợ cho Trung Hoa tựa như “Hạng Trang múa kiếm” (dựa theo tích: Hạng Trang biểu diễn múa kiếm nhằm che giấu âm mưu giết Lưu Bang trong lễ hội ở Hồng Môn), cũng vì điều này mà vô cùng tiều tụy lo lắng.
- Tiếp theo Kỳ 21: Cuối cùng đã khắc chế cường địch
Dân gian lưu truyền về “Kim Lăng tháp bi văn (văn tự khắc trên bia)” của Lưu Bá Ôn: “Tháp Kim Lăng, tháp Kim Lăng. Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn) kiến tạo, Giới Thạch phá dỡ. Hủy bỏ Kim Lăng tháp rồi, quân dân tự sát hại lẫn nhau. Thảo đầu (ĐCSTQ: 共) đối kháng với thảo đầu nhân (Tưởng Giới Thạch: 蒋)”. Lời dự ngôn này cho thấy Tưởng Giới Thạch tất yếu sẽ đưa ra một sự định đoạt đối với đảng cộng sản [Trung Quốc]. Nhận thức của Tưởng Giới Thạch về Đảng cộng sản được hình thành thông qua khoảng thời gian vài năm sau “Cách mạng Tháng Mười Nga”. Được sự ủy quyền và giao trọng trách từ Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đích thân đến Liên bang Xô Viết để quan sát, nghiên cứu tìm hiểu về bản chất của Đảng Cộng sản, từ đó đưa ra những phán đoán nhận định nổi tiếng qua cuốn sách “Cuộc cách mạng cộng sản không phù hợp với Trung Quốc”.
Hứa hẹn suông
Sau khi Đảng cộng sản Liên Xô giành quyền lãnh đạo vào năm 1917 đã từng tuyên bố sẽ xóa bỏ đặc quyền của mình tại Trung Quốc. Động thái này “ngay lập tức thu hút được sự chú ý của nhân dân Trung Quốc đồng thời giành được thiện cảm và ấn tượng tốt chưa từng có trước đây.” (Tưởng Giới Thạch, “Liên bang Xô Viết tại Trung Quốc, 1956)
Đối với Cách mạng Tháng Mười, Tưởng Giới Thạch cảm thấy phấn chấn và tin tưởng rằng Trung Quốc có thể tham khảo, lĩnh hội được nhiều bài học từ phong trào cách mạng của Liên Xô. Ông bắt đầu học tiếng Nga, đọc các cuốn sách như “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, “Học thuyết tư bản”, “Đại cương học thuyết Marx” và “Tập sách Lenin”, đồng thời nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa cộng sản một cách có hệ thống, luôn hy vọng rằng từ trong đó có thể tìm ra con đường cứu nước.
Sau khi nghiên cứu hệ thống học thuyết lý luận Marx, Tôn Trung Sơn duy trì thái độ dè dặt đối với Đảng Cộng sản Liên Xô và Chế độ Xô Viết, tuy nhiên không từ chối, gạt bỏ sự giúp đỡ viện trợ quân sự từ Liên Xô nhằm hoàn thành mục tiêu của cuộc cách mạng Quốc dân. Vào ngày 26 tháng 1 năm 1923, Tôn Trung Sơn, với tư cách là Thủ tướng Quốc Dân Đảng, đã gặp mặt Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô – Việt Phi tại Thượng Hải để thảo luận đàm phán về sự hợp tác giữa Quốc Dân Đảng và Liên Xô.
Điều khoản đầu tiên trong văn kiện “Tuyên ngôn Tôn – Việt” được hai bên ký kết đã xác định rõ nội dung: “Các tổ chức cộng sản, ngay đến cả chế độ Xô Viết, trên thực tế tất cả đều không thể được vận dụng tại Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc vốn dĩ cũng không thể tạo điều kiện cho chủ nghĩa cộng sản hay chế độ Xô Viết này có nguyên cớ để tồn tại hay tạo ra một môi trường hoàn cảnh thuận lợi để thành công.” Việt Phi cũng xác nhận lại một lần nữa, Liên Xô dự định thực hiện chủ trương xóa bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng mà thời đại Sa Hoàng trước đây đã áp đặt lên Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối việc Ngoại Mộng tách khai khỏi Trung Hoa. Không lâu sau đó, Liên Xô cũng đồng ý cung cấp nguồn viện trợ về tài chính, quân sự, nhằm giúp đỡ Quốc Dân Đảng thống nhất Trung Nguyên.
Đầu tháng 3, Tôn Trung Sơn trở về Quảng Châu thành lập Phủ Đại Nguyên Soái, ông được bổ nhiệm vị trí Đại Nguyên soái Hải – Lục quân, đồng thời tích cực chuẩn bị cho hạng mục công việc tìm hiểu khảo sát về Liên Xô. Tôn Trung Sơn viết thư cho Lenin, tuyên bố sẽ phái cử Tưởng Giới Thạch – người dẫn đầu đoàn ngoại giao trong chuyến công du đến Liên Xô, tán dương Tưởng Giới Thạch với danh xưng là “Tổng tham mưu trưởng và là người đại diện đáng tin cậy nhất của tôi”, “đã được trao toàn quyền”, “có thể dùng danh nghĩa của tôi để tiến hành thực thi công tác”.
Từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 29 tháng 11 năm 1923, trong khoảng thời gian hơn ba tháng, Tưởng Giới Thạch cùng bốn người trong phái đoàn ngoại giao đã tiến hành chuyến công du đến các khu vực khác nhau của Liên Bang Xô Viết, đồng thời diện kiến các chính trị gia như Trotsky, Gaminev, Tynovinev, Kalining và Chechellin, riêng Lenin vì lý do sức khỏe nên không thể gặp mặt. Tưởng Giới Thạch đã khảo sát các trường học viện quân sự, các nhà máy sản xuất vũ khí, cũng như tìm hiểu về biên chế và công tác chính trị của Hồng quân.
Nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong chuyến thăm Liên Xô lần này chính là để tìm kiếm sự hợp tác quân sự với Liên Xô nhằm thiết lập lực lượng Quốc Dân cách mạng quân thành tâm tận lực cống hiến cho sự nghiệp báo quốc của Tôn Trung Sơn, để đánh tan thế lực của bè lũ quân phiệt phương bắc Ngô Bội Phu. Kế hoạch quân sự tây bắc của Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch yêu cầu cần thành lập căn cứ quân sự Quốc Dân Đảng ở Ku-Lun Mông Cổ (nay là U-lan-ba-to), dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của Liên Xô sẽ xuất binh từ Mông Cổ về phía nam, tiến hành thảo phạt trực hệ quân phiệt Ngô Bội Phu ở Bắc Kinh, thống nhất Trung Quốc.
Từ thời điểm Trung Quốc giành được độc lập sau cách mạng Tân Hợi, Nga Hoàng thừa cơ đưa binh tấn công khống chế Mông Cổ. Sau khi Đảng cộng sản Liên Xô lên nắm quyền vào năm 1917, Liên Xô tiếp tục đưa miền đất này phân định trong phạm vi thế lực kiểm soát của mình. Năm 1921, Hồng quân Liên Xô tiến vào chiếm giữ Mông Cổ.
Năm 1919, Lenin từng đề xuất phế bỏ hiệp ước bất bình đẳng giữa Nga Hoàng và Trung Quốc. Một lời hứa hẹn như vậy, đối với người Trung Quốc đương nhiên sẽ trở thành một nguồn khích lệ to lớn, khiến người ta liên tưởng đến việc Liên Xô sẽ tôn trọng Trung Quốc trong vấn đề liên quan đến Mông Cổ. Dựa trên lời cam kết của Lenin, Tôn Trung Sơn đã đề xuất kế hoạch quân sự Tây Bắc.
Không ngờ rằng lời hứa hẹn của Liên Xô chỉ tựa như tấm chi phiếu khống, hữu danh vô thực, việc hồng quân Liên Xô chiếm đóng Mông Cổ chính là bằng chứng rõ ràng nhất. Khi Tưởng Giới Thạch đề xuất bản kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự ở Ku-Lun, Liên Xô lại đứng trên phương diện chỉ nhìn xung quanh bên tả phía hữu mà phán xét về điều đó, trì hoãn chần chừ không biểu hiện thái độ, khiến cuộc đàm phán rất khó đi đến kết luận thấu đáo, triệt để. Tưởng Giới Thạch vô cùng nghi hoặc, không biết xử trí ra sao. Mãi đến tháng 11, khi chuyến công du sắp kết thúc, Tưởng Giới Thạch mới nhận được câu trả lời rõ ràng.
Vào ngày 11 tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Liên Xô Skrinsky và Tổng tư lệnh Hồng quân Gaminev một lần nữa đã tiến hành đàm phán với Tưởng Giới Thạch cùng những đại biểu khác trong phái đoàn. Lần này, ông Skrinsky đã thẳng thắn bác bỏ kế hoạch của Quốc Dân Đảng: “Tôn Dật Tiên và Quốc Dân Đảng nên tập trung toàn lực để làm tốt công tác chính trị, bởi vì nếu không làm như vậy thì tất cả các hành động quân sự trong điều kiện bối cảnh hiện nay nhất định sẽ thất bại.” Ông yêu cầu Quốc Dân Đảng noi theo đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô, tập trung toàn lực thực hiện tuyên truyền, biên tập báo, tạp chí, tiến hành vận động tuyển cử, v.v., không nên nôn nóng xây dựng quân đội.
Tưởng Giới Thạch vô cùng thất vọng về điều này, ngày hôm đó trong nhật ký của mình ông viết: “Bất kể là vì một người hay toàn bộ quốc gia, cầu người không bằng cầu chính bản thân mình. Cho dù là thân hữu hay đồng minh mật thiết đến thế nào, cũng không thể ngoại trừ việc cân nhắc đến thiệt hại hay lợi ích của bản thân họ. Và đối với cơ nghiệp của bản thân mình, vô luận là thành bại lớn hay nhỏ, cũng đều không thể thản nhiên xem nhẹ. Nếu muốn thành công, thì nhất định là do tự bàn tay mình gây dựng. Cho dù tồn tại yếu tố sức mạnh từ bên ngoài thì tốt nhất cũng không nên ỷ lại dựa dẫm vào người khác.”
Ngày 27 tháng 11, Tưởng Giới Thạch gặp mặt Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Liên Xô – Trotsky, lại một lần nữa ông đề cập đến vấn đề Mông Cổ, Trotsky biểu thị thái độ khinh miệt, Quốc Dân đảng nếu nhất định muốn thiết lập căn cứ quân sự, thì cũng nên “đi từ bản thổ của quốc gia mình thay vì từ Mông Cổ mà tiến hành khởi phát các hoạt động quân sự.” Lúc này, Liên Xô ngoài miệng vẫn luôn thừa nhận Mông Cổ thuộc về Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch vô cùng căm phẫn, sau cuộc họp đã nói với các thành viên trong phái đoàn rằng: Trotsky đang cưỡng từ đoạt lý (lấn át lẽ phải)! “Nếu Mông Cổ muốn độc lập, thì cũng cần nhận được sự thừa nhận của chúng ta. Chúng ta trao quyền độc lập cho họ thì mới được, chứ không phải tự họ có thể công nhận điều đó!”
Khước từ gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc
Trong suốt khoảng thời gian công du tại Liên Xô, Quốc tế Cộng sản đã đề nghị Tưởng Giới Thạch gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch từ chối một cách nhã nhặn, khéo léo, tỏ ý muốn xin chỉ thị từ Tôn Trung Sơn. Trong bức thư gửi Liêu Trọng Khải, ông viết: “Bởi vì vấn đề gia nhập Đảng Cộng sản, mà đệ đã trì hoãn bằng cách xin một lời từ Tôn tiên sinh, cho dù việc đó khiến đệ trở thành một bề tôi đáng bị mỉa mai, nhạo báng, đệ cũng tự biết rằng một hành động mang tính cá nhân bộc phát như vậy thì không thể tránh khỏi lời châm chọc, giễu cợt từ người khác. Nhưng mà trung thần đối việc với việc quân cơ, không thể để lạc mất lòng yêu dân báo quốc, còn như những kẻ Hán gian Hán nô kia, thì cũng chỉ bán nước hại dân mà thôi. Tôi nguyện gánh cái danh trung thần hèn hạ, cũng không muốn ngậm miệng ôm giữ hư vinh của nô lệ ngoại bang, thầm nguyện cùng huynh nỗ lực, đồng cam cộng khổ.” (“Bản sơ thảo niên phổ Tưởng Giới Thạch”, Bắc Kinh, Nhà xuất bản tài liệu, tháng 12 năm 1992)
Sau cuộc gặp gỡ Trosky, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn thất vọng, chuyến thăm quan khảo sát kéo dài trong ba tháng, đổi lấy “hai bàn tay trắng” lúc trở về. Hai ngày sau, phái đoàn chính trị lên tàu về nước. Trong nhật ký của mình, Tưởng Giới Thạch đã sử dụng từ “uất ức và nhàm chán đến cực điểm” để miêu tả tâm trạng của mình vào thời điểm đó.
Trong “Báo cáo chuyến công du đến Liên Xô” trình lên Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đã viết: “Đảng cộng sản Liên Xô không hề trung thực và đáng tin cậy, nếu mang ra so sánh với một số nước chủ nghĩa đế quốc như Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản, cũng bất quá chỉ bằng một nửa” (Liên bang Xô Viết tại Trung Quốc).
Bản báo cáo “Liên bang Xô Viết kết nạp Đảng cộng sản” của Tôn Trung Sơn đã làm dấy lên những cuộc tranh luận trong nội bộ Quốc Dân Đảng. Tôn Thủ tướng từng nhiều lần nói với các nguyên lão: “Đảng Cộng sản có thể hạn chế phạm vi của Đảng ta, chúng ta sẽ trở nên trầm mặc hóa; Không thể như vậy được, chúng ta cần có phương pháp xử lý riêng của mình” (Tưởng Vĩ Quốc, “Phụ thân tôi là Tưởng Giới Thạch”). Rõ ràng, Tôn Trung Sơn cũng biết Liên Xô vì bất đắc dĩ mới làm như vậy, nhưng trong lòng ông nắm rõ, đối với triển vọng tương lai vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan. Tưởng Giới Thạch quyết chí phụng lệnh lãnh tụ Tôn Trung Sơn, dốc lòng miệt mài thiết lập quân đội Hoàng Phố.
“Hạng Trang múa kiếm”
Ngày 14 tháng 3 năm 1924, Tưởng Giới Thạch gửi một bức thư cho Liêu Trọng Khải: “Đảng Liên Xô đối với Trung Quốc có một phương châm duy nhất, chính là bồi dưỡng Đảng cộng sản Trung Quốc trở thành chính phái của họ, quyết không tin tưởng Đảng ta có thể hợp tác bền chặt lâu dài, hỗ trợ biện pháp cho sự thành công, thịnh vượng. Thậm chí chính sách của họ đối với Trung Quốc, từ Mãn Mông trở về Tây Tạng, đều chỉ là một trong những khu vực Xô – Viết của họ, đối với những phần trọng yếu của Trung Quốc, cũng không hẳn là không có toan tính tranh quyền đoạt lợi. Phàm là việc không cần tự lực cánh sinh, chuyên dựa dẫm ỷ lại vào người khác mà có thể thành công, thì nhất định không có cái lý như vậy.”
Ông cũng nói thêm rằng: “Cái gọi là chủ nghĩa quốc tế và cách mạng thế giới, đều không nằm ngoài chủ nghĩa đế quốc của Caesar, bất quá cũng chỉ là thay đổi cái tên, khiến người ta bị mê mờ trong đó mà thôi. Còn điều mà họ gọi là Nga cùng với Anh, Pháp, Hoa kỳ, Nhật Bản, dưới góc nhìn của đệ, Nga đều có tâm muốn làm lợi cho đất nước họ mà khiến quốc gia khác chịu tổn hại, chênh lệch cũng đạt đến năm mươi bước so một trăm bước!”
Trong suốt khoảng thời gian hơn ba tháng của chuyến công du, Tưởng Giới Thạch đã tiếp cận và quan sát tường tận được nhiều vấn đề trong nội bộ Liên Xô. Trong nhật ký của mình, ông viết: “Các dân tộc thiểu số trong nước (Liên Xô) hiện nay bài xích đối lập, khiến chúng ta hứng chịu hiểm nguy”. Điều này rõ ràng đề cập đến mối nguy hiểm tiềm tàng đang đe dọa Liên Xô của Stalin – vốn là người Georgia. Mặc dù không thể nhìn thấu bản chất của Stalin, nhưng Tưởng Giới Thạch luôn có dự cảm con người này không hề lương thiện đến vậy.
Ngày 13 tháng 4 năm 1931, Tưởng Giới Thạch trong khi thu dọn tài liệu đã nhìn thấy bản sao thư hồi âm năm xưa mình gửi Liêu Trọng Khải, trong nhật ký ngày hôm đó ông viết: “Buổi sáng, tại nơi làm việc sắp xếp lại những bản thảo cũ, bỗng thấy lá thư phúc đáp vào mùa xuân mười ba năm về trước của Trọng Khải với nội dung vạch trần dã tâm khó đoán của Liên Xô, đọc mà thấy như được an ủi. Thủ tướng quyết tâm liên minh với Liên Xô, cũng không thể thay đổi phương châm của họ, chỉ có thể đến Quảng Đông đảm nhận chức trách, lên kế hoạch từng bước khắc phục xoay chuyển tình thế bất lợi. Than thở với chị cả và vợ tôi rằng: Tôi ngay từ thời kỳ đầu đã phản đối Đảng cộng sản đến cùng, quyết không đến Quảng Đông nhậm chức, nhưng sau khi Thủ tướng qua đời, Quốc Dân Đảng gánh vác trách nhiệm thanh trừ Đảng cộng sản, Trung Quốc cũng không còn hy vọng cứu vãn. Đang lâm vào tình cảnh tối tăm, liệu có thể nắm được vận mệnh sinh tồn chăng?”
Tưởng Giới Thạch tạm thời dùng kế hoãn binh, lấy lùi làm tiến, quả thực là thuận theo thiên ý mà hành. Yêu cầu Tưởng Giới Thạch xây dựng trường quân sự, rất có thể chính là diệu kế cẩm nang mà Tôn Trung Sơn muốn lưu lại.

Nhiều năm sau, Tưởng Giới Thạch trong cuốn sách “Liên Bang Xô Viết tại Trung Quốc” đã nêu rõ, chuyến công du đến Liên Xô khiến cho bản thân càng nhận thức rõ rằng chế độ chính trị Xô – Viết so sánh với chế độ chính trị Chủ nghĩa tam dân của Quốc Dân Đảng Trung Quốc thì về căn bản hoàn toàn không tương thích. Ông cũng phát hiện ra rằng việc Liên Xô viện trợ cho Trung Hoa tựa như “Hạng Trang múa kiếm” (Dựa theo tích: Hạng Trang biểu diễn múa kiếm nhằm che giấu âm mưu giết Lưu Bang trong lễ hội ở Hồng Môn), cũng vì điều này mà vô cùng tiều tụy lo lắng.
Trong “Liên Bang Xô Viết tại Trung Quốc”, Tưởng Giới Thạch hồi tưởng lại: “Trước khi đến Liên Xô, quả thật tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự viện trợ của Đảng Cộng sản Liên Xô cho cuộc cách mạng Quốc dân của chúng ta, là xuất phát từ tấm lòng chân thành và quan điểm đối đãi công bằng, tuyệt đối không mảy may một chút tư tâm hay ác ý. Nhưng kết quả của chuyến thăm Liên Xô đã khiến tín tâm và sự kỳ vọng của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi nhận thấy rằng chính sách liên minh giữa Đảng ta với Đảng cộng sản Liên Xô, mặc dù có thể nhất thời chống lại thực dân phương Tây, nhưng nhất định sẽ không thể hoàn thành mục tiêu giành lấy độc lập và tự do cho quốc gia dân tộc; Tôi càng cảm nhận thêm được điều mà Liên Xô gọi là chiến lược và mục đích của “Cách mạng thế giới”, so sánh với chủ nghĩa thực dân phương Tây, đối với phong trào độc lập dân tộc phương Đông mà nói lại càng thêm bội phần nguy hiểm”.
“Tổng kết lại ấn tượng về chuyến khảo sát kéo dài ba tháng tại Liên Xô, tôi vô hình trung nảy sinh một loại cảm giác, chính là nếu như chính quyền Đảng cộng sản Liên Xô một khi đạt đến trạng thái hùng mạnh kiên cố vững chắc, thì dã tâm chính trị của thời đại Đế quốc Sa hoàng có thể sẽ hồi sinh, quả thật không phải là không có khả năng đó, điều này đối với Trung Hoa Dân Quốc và cuộc cách mạng Quốc dân của chúng ta sẽ dẫn tới hậu hoạ không thể lường trước được.”
Tưởng Giới Thạch tiên liệu rằng Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc, quả nhiên sau này điều lo ngại ấy đã ứng nghiệm.
(Còn tiếp…)
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
- Xem loạt bài về Tưởng Giới Thạch
Theo Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch