Quân đội hoàng gia Nhật trở thành vị cứu tinh

Năm 1964, khi Mao Trạch Đông tiếp kiến phái đoàn của Đảng Xã hội Nhật Bản đến thăm Trung Quốc, trưởng đoàn Nhật Bản là Sasaki Genzo và Kuroda Toshio đã xin lỗi nhân dân Trung Quốc về cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản. Tuy nhiên Mao lại nói: “Tôi đã từng nói chuyện với những người bạn nước láng giềng Nhật Bản. Họ nói rằng, họ xin lỗi vì quân đội hoàng gia Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc. Tôi trả lời rằng: Không! Nếu như không có quân đội hoàng gia của các vị xâm lược một nửa lãnh thổ của Trung Quốc, thì nhân dân Trung Quốc sẽ không thể đoàn kết chống lại Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc cũng sẽ không thể có được chính quyền như ngày nay. Vì vậy, quân đội hoàng gia Nhật Bản là một người dẫn đường đáng kính đối với nhân dân Trung Quốc, và có thể nói họ chính là đại ân nhân và đại cứu tinh đối với chúng ta”.

Sasaki cảm thấy rất áy náy: “Hôm nay tôi đã nghe thấy những lời phát biểu vô cùng khoan hồng độ lượng của Chủ tịch Mao. Trong quá khứ, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc và gây ra nhiều tổn thất to lớn cho các vị. Chúng tôi cảm thấy rất ân hận, thật sự xin lỗi”. Mao ngay lập tức trả lời rằng: “Không có gì phải xin lỗi ở đây cả, chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Trung Quốc và tạo điều kiện cho nhân dân Trung Quốc giành được chính quyền. Nếu không có cứu tinh là quân đội của các vị, chúng tôi sẽ không thể cướp được chính quyền. Về điểm này, ngài và tôi đang không cùng chung lập trường, giữa 2 người chúng ta đang có mâu thuẫn”. (Tư tưởng Mao Trạch Đông muôn năm, trang 533-534).

Masami Sasaki vào năm 1956 (theo  Wikipedia)

Vào ngày 18 tháng 11 năm 1938, Tưởng Giới Thạch sau khi đọc bài “kiến thiết xây dựng Đảng” của ĐCSTQ đã vô cùng cảm thán, ông viết trong cuốn nhật ký của mình như thế này: “ĐCSTQ đã dựa vào nền tảng hoạt động bí mật suốt hàng trăm năm qua của Quốc tế cộng sản, vì vậy với kỷ luật nghiêm khắc nhất, phương pháp tỉ mỉ nhất, tổ chức chặt chẽ nhất, ĐCSTQ nghiễm nhiên trở thành một tổ chức mà bất kỳ một đảng phái nào cũng không thể sánh kịp, dựa vào những thủ đoạn hiểm độc, mánh khóe tàn ác nhất, tình nghĩa cùng đạo đức bị quét sạch đến không còn dấu vết, giả sử muốn tìm được một người có xu hướng đi theo đường lối quốc gia dân tộc thì quả thực chả còn mấy ai!”

Vào đầu năm 1941, chính phủ Quốc Dân đảng đã kiên quyết thủ tiêu phản quân và bắt giữ chỉ huy trưởng Diệp Đình, người được gắn liền với “biến cố Hoản Nam”. Tưởng Giới Thạch nói: “Lần này chúng ta xử lý sự việc của Tân Tứ quân, thì vô luận là nhân sĩ trong ngoài, mọi người đều biết, đây hoàn toàn là vấn đề chúng ta chỉnh đốn kỷ luật quân đội… Bất kỳ quân nhân nào vi trái lệnh và làm loạn kỷ luật quân đội thì nhất định sẽ bị trừng phạt, còn nếu như dấy binh tạo phản, tập kích quân đồng minh, xâm chiếm khu vực phòng thủ, gây cản trở đối với cuộc kháng chiến của quân đội cách mạng quốc gia thì nhất định sẽ bị giải tán và tiêu diệt”.

Ông cũng nói: “Giáo điều của Chúa cứu thế dạy mọi người đối với kẻ phạm tội cần tha thứ bảy mươi bảy lần cho những tội lỗi của họ. Tuy nhiên những tội ác của Tân tứ quân (lực lượng vũ trang cách mạng của ĐCSTQ) từ lâu đã vượt quá bảy mươi bảy lần. Chúng ta muốn đón nhận lòng khoan dung của Chúa Giê-xu, nhưng đối với những người hành ác không hối cải như vậy, với đội quân một mực u mê không tỉnh, không hề biết ăn năn hối cải thì chúng ta cũng nhất quyết không được dung nhẫn thêm một chút nào, nếu như lại tha thứ cho họ lần nữa, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự mình phạm tội”. (Chỉnh đốn kỷ luật quân đội và tăng cường kháng chiến, 1941)

Vào ngày 18 tháng 10 năm 1941, tờ “Tin tức Luân Đôn họa báo” của Anh đã đặt ảnh chân dung Tưởng Giới Thạch làm trang bìa để tường thuật câu chuyện hào hùng về cuộc kháng chiến của Trung Quốc, ở phía dưới có một tiêu đề nhỏ: Nguyên soái Tưởng Giới Thạch, vị lãnh tụ vĩ đại của 40 triệu người dân Trung Quốc, chúc mừng ngày đại lễ  kỷ niệm quốc khánh 30 năm Trung Hoa Dân Quốc, hy vọng rằng nhân dân Trung Quốc sẽ đạt được nhiều chiến thắng to lớn hơn nữa trên chiến trường. Bài báo đã cho thấy khi tình hình chiến sự Trung-Nhật tiếp tục mở rộng, truyền thông châu Âu và Mỹ bày tỏ rõ ràng sự đồng tình và ủng hộ đối với cuộc kháng chiến của Trung Quốc (Thế giới Văn hóa và Sáng tạo Đại Đồng). (Ảnh: Chung Nguyên / The Epoch Times)

Trong nhãn quang của Tưởng Giới Thạch, ĐCSTQ và Uông Ngụy (tức phe Uông Tinh Vệ) đều là những kẻ hán gian, đều chỉ biết tính toán cho bản thân. Ngày 8 tháng 9 năm 1943, ông đã viết trong cuốn nhật ký: “Đảng ĐCSTQ có hậu thuẫn từ Nga, Uông Ngụy thì dựa dẫm vào Nhật Bản. Tình thế loạn trong giặc ngoài vẫn chưa hề thuyên giảm”. 

ĐCSTQ nhận được sự ủng hộ từ Liên Xô, đồng thời cũng xu nịnh tán dương nền dân chủ của Mỹ, từ đó giành được thiện cảm của dư luận quốc tế. Tưởng Giới Thạch nói trong nhật ký của mình vào ngày 26 tháng 2 năm 1944: “Tuyên truyền của ĐCSTQ tại Mỹ quốc nói rằng quân đội của chúng tôi không kháng Nhật mà tập trung lực lượng tiêu diệt ĐCSTQ, điều này không khác gì lời tuyên truyền năm ngoái của chúng rằng chính phủ của chúng tôi đầu hàng Nhật Bản, chỉ có điều là thủ đoạn không giống như lần trước. Nhưng điều đáng lo ngại là chính phủ và người dân Hoa Kỳ đã bị mê hoặc bởi những lời tuyên truyền đó, tin rằng đó là sự thật!”

Năm 1944, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật đã ở trước mắt, nhưng Tưởng Giới Thạch lại không hề lạc quan. Trong nhật ký của mình vào ngày 12 tháng 7, ông viết: “Con đường tương lai của quốc gia còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề của Nga và ĐCSTQ, nhưng đây là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn vong quốc gia dân tộc”.

Ngày 10 tháng 10 năm 1943, Tưởng Giới Thạch được bổ nhiệm làm chủ tịch Chính phủ Quốc Dân đảng. Một tháng sau, ông tham dự Hội nghị Cairo và kiên quyết nhấn mạnh rằng sau chiến tranh, Nhật Bản phải trả lại tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng của Trung Quốc. (Chính quyền tỉnh Đài Loan)

“Ngày 30 tháng 4 năm 1945. Xuất hiện sự việc như sau: Vào tháng 4 năm đó, quân Nhật phát động công kích từ địa phận Khai Phong, đến cuối năm đã đưa Trung Quốc đến bờ vực thất bại quân sự. Vì vậy, dựa trên theo đường lối mà Mao Trạch Đông đã đặt ra, đó là sách lược quan sát tình thế được ngụy trang dưới vỏ bọc chiến tranh du kích, gần như đã kết thúc vào năm 1944. Vào thời điểm đó, sức mạnh của chính quyền trung ương đã bị suy yếu rất nhiều trước những cuộc tấn công ác liệt của quân Nhật. Mao Trạch Đông lúc này cảm thấy cơ hội đã tới. Vì để chờ đợi cơ hội này, Mao đã kiên quyết bác bỏ tất cả các phương án tấn công chống lại quân Nhật, do đó làm cho mặt trận thống nhất dân tộc không thể trở thành hiện thực. Khi đó, chủ tịch ủy ban trung ương Đảng ĐCSTQ cho rằng đã đến lúc phải hành động. Viễn cảnh chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực đang hiển hiện trước mắt Mao một cách rõ ràng và thực tế. Quân đội của Tưởng Giới Thạch đang bị phân tán, thể chế chính trị đang bị nới lỏng. Đồng minh chính trị trong mặt trận thống nhất cũng đã suy yếu. Trong trường hợp xảy ra nội chiến, cơ hội thành công của cả hai bên gần như ngang nhau”.( [Xô Viết] Peter Bafinovich Vladimirov, nhật ký Diên An “)

Vào ngày 13 tháng 8 năm 1945, đêm trước ngày kháng chiến thắng lợi, Tưởng Giới Thạch đã viết trong nhật ký của mình: “Tương lai sẽ khó khăn và gian nan gấp mười lần cuộc chiến tranh chống Nhật”. Đối với Tưởng Công, nguy cơ chỉ vừa mới bắt đầu.

Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch