Mục lục bài viết
Trong lịch sử, từng xuất hiện rất nhiều bài ca được quần chúng lưu truyền rộng rãi, những bài đồng dao trẻ nhỏ thường hát khi nô đùa hay những tiểu khúc cất lên bởi các đạo sĩ du hành. Tuy đều chỉ có vài chữ tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng thực chất chúng lại hàm chứa huyền cơ không ai biết đến…
Dưới triều Minh, từ khi lập quốc cho đến giữa thời kỳ cuối đều thấy lưu truyền những bài hát như vậy. Chỉ bằng mấy từ đơn giản, chúng đã có thể diễn tả một cách chính xác toàn bộ tình thế hỗn loạn đến kinh tâm động phách của toàn thiên hạ. Thế nhưng, phải đợi đến sau khi sự việc đã xảy ra, người ta mới giật mình hiểu được hàm nghĩa chân chính đằng sau những lời ca đó.
Câu hát báo trước đại nạn của bốn người
Lịch sử có ghi chép: Chu Nguyên Chương trong quá trình thống nhất Giang Nam đã gặp phải kình địch của ông là Trương Sĩ Thành. Người này từ trước năm Chí Chính mười hai (năm 1354) đã chiếm giữ toàn bộ vùng Cao Bưu, tự xưng là “Thành Vương”. Đến tháng 9 năm Chí Chính hai mươi ba (năm 1363), Trương Sĩ Thành tự xưng là “Ngô Vương”, sau đó bổ nhiệm em trai ruột của mình là Trương Sĩ Tín giữ chức thừa tướng. Còn quân đội thì giao cho ba người là: Hoàng Kính Phu, Thái Ngạn Văn và Diệp Đức Tân nắm giữ.
Năm Chí Chính hai mươi tư (năm 1364), Chu Nguyên Chương cũng tự lập danh hiệu cho mình là “Ngô Vương”, phong cho con trai Chu Tiêu là thế tử. Chu Nguyên Chương bổ nhiệm Lý Thiện Trường làm hữu tướng quốc và Từ Đạt làm tả tướng quốc.
Lúc ấy, trong dân gian lưu truyền một đoạn ca dao: “Thừa tướng tác sự nghiệp, chuyên kháo Hoàng, Thái, Diệp. Nhất triều tây phong khởi, can biết.” Mọi người đều không biết bài ca dao này đến từ đâu, chỉ biết rằng khắp nơi đều đang truyền nhau hát.
Mãi cho tới năm Chí Chính hai mươi bảy (năm 1367), Chu Nguyên Chương đánh thắng Trương Sĩ Thành. Quân đội của Chu Nguyên Chương đánh hạ Tô Châu. Trương Sĩ Tín và ba người Hoàng – Thái – Diệp đều tử nạn ứng với lời ca: “Nhất triều tây phong khởi, can biết”. Người ta mới hiểu rõ bài ca dao này chính là một lời tiên đoán.
“Nhất triều tây phong khởi” (tạm dịch: một khi gió Tây nổi lên) là để chỉ vùng đất Nam Kinh nằm ở phía tây của Tô Châu – nơi Chu Nguyên Chương xây dựng kinh đô. Gió tây nổi lên ứng với việc Chu Nguyên Chương đem quân từ phía Tây tới Tô Châu đánh bại Trương Sĩ Thành. Từ “can biết” (干鳖) trong bài ca dao đồng âm với từ “can biết” (干瘪) – có nghĩa là khô cằn, xơ xác. Phần này ứng với sự kiện Chu Nguyên Chương sau khi bắt giết ba người Hoàng – Thái – Diệp đã lấy ruột của ba người này treo lên cây trúc cao khiến cho chúng bị nắng phơi khô.
Một bài ca dao đề cập tới hai vị hoàng đế
Vào năm Chính Thống thứ hai dưới thời Minh Anh tông Chu Kỳ Trấn (năm 1437), tại kinh thành xảy ra hạn hán. Khi đó, trẻ con từ khắp phố lớn ngõ nhỏ trong thành đều làm rồng đất để cầu mưa xuống. Trong khi lễ bái, những đứa trẻ thường hát: “Vũ đế Vũ đế, Thành Hoàng thổ địa. Vũ nhược tại lai, hoàn ngã thổ địa.” Người lớn nghe vậy cũng chỉ coi là sự ngây thơ của con trẻ.
Thế nhưng sau khi xảy ra một số sự việc, người ta mới tỉnh ngộ nhận ra ý nghĩa thực sự ẩn trong bài đồng dao đó.
Năm Chính Thống thứ mười bốn (năm 1449), bộ tộc Ngõa Lạt vùng Mông Cổ xâm lấn Đại Minh. Minh Anh Tông dẫn đầu năm mươi vạn đại quân thân chinh ra trận nghênh chiến. Tháng 8 năm đó, ông bị thái sư của tộc người Ngõa Lạt bắt làm tù binh tại thôn Thổ Mộc. Đất nước không thể một ngày không có vua, vậy nên quần chúng đã đồng lòng ủng hộ em trai của Minh Anh Tông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc lên làm hoàng đế, xưng là Cảnh Thái Đế. Năm đầu dưới thời vua Cảnh Thái (năm 1450), Minh Anh Tông trở lại triều đình. Đến năm Cảnh Thái thứ tám (năm 1457), nhân cơ hội Cảnh Thái đế lâm bệnh nặng, Minh Anh Tông đã đoạt lại hoàng vị từ em trai của mình.
Từ “Vũ đế” (雨帝) trong bài đồng dao đồng âm với “dữ đệ” (与弟) – chỉ em trai. Vì biến cố tại thôn Thổ Mộc mà Minh Anh Tông buộc phải truyền ngôi vị lại cho em trai của mình. Câu “Thành Hoàng thổ địa” là để chỉ việc “Thành vương” Chu Kỳ Ngọc trở thành hoàng đế cai quản toàn bộ lãnh thổ Đại Minh. Trong câu “Vũ nhược tái lai, hoán ngã thổ địa”, từ “vũ” (雨) có cách phát âm gần giống với từ “ngự” (御) – mang ý nghĩa chỉ hoàng đế. Ở đây là để chỉ việc khôi phục ngai vàng của Minh Anh Tông – một lần nữa trở thành hoàng đế Đại Minh cai quản quốc thổ.
Lời tiên đoán của đạo sĩ về loạn yêm đảng
Vào những năm cuối thời vua Vạn Lịch triều Minh, trên đường phố sầm uất tại kinh thành, có một vị đạo sĩ cất lên những ca từ kỳ lạ: “Ủy quỷ đương đầu tọa, gia hoa biến địa sinh”. Người qua đường lúc đó nghe thế cũng chỉ cảm thấy kỳ quái, hoàn toàn không hiểu nội dung của bài hát này có ý nghĩa gì.
Thời gian trôi qua, triều vua Vạn Lịch và vua Minh Quang Tông Chu Thường Lạc (con trai của vua Vạn Lịch) kết thúc. Vua Minh Hy Tông Chu Do Hiệu (con trai trưởng của Minh Quang Tông) lên kế vị. Trong những năm trị vì của mình, Minh Hy Tông vô cùng tín nhiệm hai người: một là nhũ mẫu của ông – Khách thị, người còn lại là thái giám Ngụy Trung Hiền.
Ngụy Trung Hiền là một kẻ không học vấn, không nghề nghiệp nhưng đối với việc phiêu kỹ, đánh bạc và buông lời gièm pha người khác lại vô cùng ham thích. Hắn dụ dỗ vua Hy Tông hoang dâm bỏ bê việc triều chính, còn hắn thì nhân cơ hội đó thao túng lũng đoạn triều đình. Thời ấy, toàn bộ quyền hành lớn ở cả trong và ngoài cung đều do một tay Ngụy Trung Hiền nắm giữ. Hắn bản tính nham hiểm, tàn nhẫn. Toàn bộ những người đứng ra chống lại hắn hoặc đối lập với hắn đều bị Ngụy Trung HIền thẳng tay sát hại. Những nơi hắn đi qua, các sĩ phu đều phải ngay tại trên đường hành lễ với hắn, hô to “Cửu thiên tuế” và chịu đựng sự xem thường của hắn.
Khách thị cũng là một nô tỳ lợi dụng sự tín nhiệm của Minh Hy Tông mà ra sức hoành hành trong cung. Bà ta chèn ép hoàng hậu, ngược đãi phi tần cung nhân một cách tàn khốc. Khách thị cùng Ngụy Trung Hiền cấu kết với nhau làm ra vô số việc xấu ác. Hai kẻ này ỷ vào sự nhu nhược và lòng tin tưởng mù quáng của hoàng đế mà không chút kiêng nể thiết quyền loạn chính, gây tai họa cho toàn thiên hạ.
Đợi đến khi hai kẻ gian thần này lập ra yêm đảng – một nhóm những kẻ tư lợi ngông cuồng, phản bội đất nước – đem toàn bộ lãnh thổ Đại Minh nhấn chìm trong chướng khí mù mịt, người ta mới hiểu những câu hát của vị đạo sĩ nọ có hàm ý gì. Hóa ra, “ủy quỷ đương đầu tọa” trong lời đạo sĩ chính là chỉ tên của đại ma đầu yêm đảng Ngụy Trung Hiền. Vì chữ “Nguỵ” (魏) trong họ của hắn có chứa chữ “quỷ” (鬼). Còn “Gia hoa biến địa sinh” là để chỉ Khách thị. Vì đương thời người ta đọc chữ “khách” (客là “giai” (楷) và chữ “giai” này được phát âm rất giống với chữ “gia” (茄) trong câu “Gia hoa biến địa sinh”. Vậy nên, ca từ mà đạo sĩ hát chính là lời tiên đoán cho thế cục hỗn loạn do Ngụy Trung Hiền và Khách thị gây nên.
Một bài dân ca, một đoạn đồng dao, một câu hát – tuy lời ít nhưng lại ẩn chứa nội hàm thâm sâu: truyền tải càn khôn, bao quát hết thảy mưa gió hỗn loạn và biến đổi về cục diện của toàn thiên hạ.
Theo Epoch Times
Trường Lạc biên dịch