Tại sao La Quán Trung phải đem một sự kiện vốn chỉ được ghi chép bằng vẻn vẹn không quá 20 chữ trong các tài liệu lịch sử viết lại đến tinh tế kỹ lưỡng, thập toàn thập mỹ đến như vậy?
‘Tam Quốc diễn nghĩa’ là một cuốn tiểu thuyết chương hồi ghi lại những sự kiện xảy ra vào thời kỳ thiên hạ loạn lạc, nhà Hán sụp đổ và sự hình thành thế chân vạc của ba nước Ngụy – Thục – Ngô. Vì ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ lấy góc nhìn trung tâm là nước Thục, nên những phần nội dung xoay quanh nhân vật Lưu Bị (Lưu Huyền Đức) cùng sự hình thành và phát triển của nước Thục được La Quán Trung kể lại vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Trong đó, không thể không nhắc tới sự kiện Lưu Bị ba lần viếng thăm Gia Cát Lượng được viết ở hồi 37 của cuốn sách. Vốn dĩ, các ghi chép lịch sử về sự việc này không nhiều, nếu có thì cũng chỉ tóm gọn trong vài chữ thoáng qua như một chi tiết bên lề chẳng mấy quan trọng. Thế nhưng, La Quán Trung lại dành gần một chương chỉ để nói về nó.
Đâu là nguyên nhân khiến cho câu chuyện ‘ba lần đến lều cỏ’ (Tam cố thảo lư) trong ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ được miêu tả một cách tường tận, rõ ràng đến vậy? Ngay sau đây, chúng ta sẽ cùng bàn luận và trả lời.
Phần miêu tả xuất sắc trong hồi thứ 37 của ‘Tam Quốc diễn nghĩa’
“Huyền Đức viết thư xong, đưa gửi Gia Cát Quân rồi từ biệt ra về. Quân tiễn ra tận cửa; Huyền Đức còn ân cần, dặn đi dặn lại đôi ba lần.
Huyền Đức vừa lên ngựa sắp đi, thì thấy tiểu đồng đứng ngoài bờ rào vẫy tay nói:
– Lão tiên sinh đã đến!
Lưu Bị nhìn ra thấy bên phía tây chiếc cầu nhỏ, có một người đội mũ ấm trùm đầu, mặc áo hồ cừu, cưỡi con lừa, theo sau một tiểu đồng mặc áo xanh đi hầu, tay xách một bầu rượu, đương rẽ tuyết đi lại, qua cái cầu nhỏ đang ngâm một bài thơ.”

Đoạn trên là nội dung viết về lần thứ hai Lưu Bị đến nhà cỏ mong được gặp Gia Cát Lượng, trích hồi thứ 37 của “Tam Quốc diễn nghĩa”.
‘Ba lần đến thăm lều cỏ’, đây là sự việc có thật trong lịch sử. Bài ‘Xuất sư biểu’ của Gia Cát Lượng cũng nhắc tới: “Ba lần viếng thăm bề tôi trong nhà cỏ”. ‘Gia Cát Lượng truyện’ thuộc cuốn ‘Tam Quốc chí’ cũng viết: ‘Do là tiên chủ đích thân đến tận nhà Lượng, tổng cộng 3 lần, mới có thể gặp được’. Đến trong “Tam Quốc diễn nghĩa” càng là một phen ‘giấy mực nồng đậm’, miêu tả thập phần chi tiết, tỉ mỉ.
Vậy thì, tại sao phải đem một sự kiện vốn chỉ được ghi chép bằng vẻn vẹn không quá 20 chữ trong các tài liệu lịch sử viết lại đến tinh tế kỹ lưỡng, thập toàn thập mỹ như vậy? Xét về bề mặt, nguyên nhân của việc này thật quá đơn giản: bởi vì tiểu thuyết gia muốn làm sao hấp dẫn người đọc nên mới tận tâm tận lực mà viết. Xét về kỹ thuật, kỳ thực lý do cũng chẳng hề phức tạp: chính là muốn lấy việc này làm nền, nhằm nổi bật lên sự xuất hiện của vị quân sư xuất chúng bậc nhất lịch sử Trung Quốc – Gia Cát Lượng, làm tăng thêm chờ đợi cùng mong mỏi của người đọc vào nhân vật này.
Văn hóa ẩn sĩ lánh đời và tinh thần nhập thế của Trung Quốc
Nguyên nhân bên ngoài là thế, còn nguyên nhân sâu xa hơn là gì? Chẳng hay các bạn có chú ý, trong hồi thứ 35 của tiểu thuyết: sau khi Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) phi ngựa nhảy qua suối, trải qua một màn tình tiết truy sát hồi hộp gay cấn, đi hết một đường quanh co khúc khuỷu, Huyền Đức bỗng nhiên thấy cảnh tượng trở nên ưu mỹ, yên tĩnh và nhàn tản lạ thường. Bên ngoài núi rừng sâu thẳm, ông gặp được vị Thủy Kính tiên sinh dáng tùng, vóc hạc đang thanh thản đánh đàn. Khi ấy, Huyền Đức dường như đã bước chân vào trong một lãnh địa hoàn toàn mới.
Trên thực tế, ông cũng chính là đã đi vào một vùng đất khác trong văn hóa Trung Hoa – vùng đất của văn hóa ẩn sĩ. Có thể nói, đây chính là cuộc gặp gỡ giữa một Lưu Bị lòng mang chí lớn, tích cực hăng hái đi vào thế tục để biểu dương chính nghĩa khắp thiên hạ, với một Thủy Kính tiên sinh ẩn cư rừng núi, xa lánh sự đời. Là cuộc gặp gỡ giữa một người cả đời vì chí lớn chưa thành mà bôn ba tứ hải, dốc hết tâm huyết, với văn hóa ẩn sĩ cách biệt hết thảy mọi sự mọi vật nơi thế gian.
Cuốn tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” không gấp rút để cho Lưu Bị tới tìm hỏi bậc kỳ tài quân sự chính trị – Gia Cát Lượng, mà trước hết lại để ông gặp gỡ với một cư sĩ ở ẩn nhàn tản đến chẳng có việc gì làm, âu cũng là để tạo nên một chút mâu thuẫn không tính là quá kịch liệt cho câu chuyện. Ví như, trong lần thứ nhất tới nhà cỏ tìm Khổng Minh, Lưu Bị đã gặp Thôi Châu Bình trong rừng. Khi ấy, Thôi Châu Bình phản đối việc bước ra gánh vác trách nhiệm với thiên hạ. Nếu như Lưu Bị không phải là người bao dung độ lượng, phỏng chừng đã sớm tranh cãi ầm ĩ với Thôi Châu Bình tại đó rồi. Lần thứ hai Lưu Bị đến thăm nhà tranh là một ngày khí trời rét buốt, ‘tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc’. Tại một quán nhỏ, ông gặp Thạch Quảng Nguyên và Mạnh Công Uy đang ngồi đối nhau uống rượu. Trớ trêu thay, lần này Lưu Huyền Đức lại bị hai người Nguyên – Uy khéo léo hạ lệnh đuổi khách, lời rằng: ‘Chúng tôi là bọn quê mùa, chẳng biết đâu đến những việc trị nước yên dân, xin đừng bận lòng hỏi chúng tôi những việc ấy. Mời ông cứ lên ngựa đi tìm Ngọa Long’.

Tại sao lại cần an bài cho Lưu Bị gặp những nhân vật không có chút tương quan nào đến việc trị quốc an dân như vậy? Cách viết này thực chất là để biểu hiện tính đa dạng trong văn hóa Trung Quốc. Chính là: lịch sử Trung Quốc ngoài phương diện hăng hái nhiệt huyết tham gia vào những việc binh quyền thế tục; còn có một mặt ẩn thân nơi rừng rậm núi sâu, chỉ lo chính mình, lánh xa khỏi khói lửa nhân gian. Văn hóa Tam Quốc cũng không phải chỉ diễn tả những nhân tài túc trí đa mưu, dấn thân chinh chiến nơi sa trường; mà còn bao gồm cả những hiền sĩ phiêu dật phóng khoáng, an nhàn trải qua đời sống thanh cao, siêu thoát khỏi các việc trần thế. Bất kể là thời kỳ nào, văn nhân cùng Nho sĩ Trung Quốc cũng đều biểu hiện ra cả hai mặt tinh thần này. Một Tam Quốc như vậy mới xứng đáng là một Tam Quốc đa chiều, trọn vẹn.
Nói tóm lại, đây đơn giản là một loại thái độ của người Trung Quốc khi nhìn nhận về nhân sinh và lịch sử – có vào, cũng có ra. Vừa có thể dấn sâu vào thế tục, cũng đồng thời có thể nhảy thoát khỏi hết thảy để đứng từ góc độ cao hơn mà xem xét vấn đề. Loại trí tuệ một xuất một ẩn này hoàn toàn không hề mâu thuẫn với nhau. Trên thực tế, vùng đất Nam Dương thời Tam Quốc là nơi hội tụ của vô số các bậc nhân tài kiệt xuất, là một kho chứa nhân tài khổng lồ. Chỉ có điều, các nhân tài trong chiếc kho ấy lại thường hay chọn lấy một mặt ẩn cư giấu mình để xuất hiện. Các bậc cao nhân nhàn tản mà Lưu Bị vô tình đụng phải, thực đều là những nhân sĩ ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng đồng thời họ cũng là những hiền nhân có tài bày binh bố trận và trị quốc an bang. Ví như: Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Đặng Ngải, v.v… đều là những nhân vật như vậy.
Hai loại văn hóa này là hai mặt của cùng một tinh thần duy nhất: dù là xa lánh hay thâm nhập vào thế tục, tất cả những nhân vật ấy đều giữ trong mình một tinh thần cao thượng.
Những tình tiết về mấy vị ẩn sĩ được nhắc đến ở đây cũng vừa đúng tương ứng với phần mở đầu của tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” (mặc dù những câu trong phần mở đầu ấy là do người đời sau thêm vào), cụ thể như sau:
“Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.”
Bản dịch của Lưu Mạnh Đức:
“Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”…
Theo Secret China
Trường Lạc biên dịch