Vào thời Hàm Phong triều nhà Thanh, có một vị nho sinh tự nhận mình là “Nông dân biết chữ” tên Vương Vĩnh Bân. Trong những năm tháng cuối đời có viết một cuốn sách tổng kết những cảm ngộ về kiếp nhân sinh. Vì khi đó vào mùa lạnh mọi người ngồi quanh bếp lò, nướng khoai lang. Trong lòng thấy tâm đắc nên thuận miệng nói ra và tập hợp thành sách, cho nên sách có tiêu đề “Vi Lô Dạ Thoại”.
“Vi Lô Dạ Thoại” gồm 221 câu danh ngôn, phản ánh một đời tu thân tích đức của nho sinh thời xưa. Có thể thấy, trong xã hội cổ đại truyền thống, mọi người phổ biến nhìn nhận rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm ở việc tu thân dưỡng đức, phân rõ đúng sai chứ không phải để tích lũy kinh nghiệm tranh đấu trong danh lợi tình thù. Dưới đây là 10 câu trích dẫn kinh điển trong cuốn sách này:
1, “Giáo tử đệ vu ấu thì, tiện đương hữu chính đại quang minh khí tượng; kiểm thân tâm vu bình nhật, chẩm khả vô ưu cần dịch lệ công phu”.
Tạm dịch: Việc dẫn dắt, dạy dỗ con cái cần bắt đầu từ khi chúng còn nhỏ. Người lớn trong nhà cần bồi dưỡng phẩm đức chính trực, độ lượng, thành thật cho con trẻ ngay từ thuở nhi đồng. Tu dưỡng trong sinh hoạt hàng ngày cần tự phản tỉnh hành vi và suy nghĩ của bản thân tại mọi thời khắc, không thể không có tự mình đốc thúc và tự mình rèn giũa được.
2, “Xử sự yếu đại nhân tác tưởng, độc thư tu thiết kỷ dụng công”.
Tạm dịch: Khi xử lý mọi việc, nên biết nghĩ cho người khác nhiều hơn, xem xem liệu có xảy ra hiện tượng vì để bản thân có được chỗ tốt mà khiến người khác phải chịu thiệt hay không. Khi đọc sách cần tự mình chuyên tâm, nỗ lực, vì việc học tập tích lũy kiến thức không ai thay thế được.
3, “Tâm năng biện thị phi, xử sự phương năng quyết đoạn; nhân bất vong liêm sỉ, lập thân tự bất ti ô”.
Tạm dịch: Một người không phân rõ phải trái cuối cùng sẽ trở thành đồng phạm bị thế lực tà ác lợi dụng; một người quên đi liêm sỉ, cuối cùng sẽ hùa theo thế lực xấu làm xằng làm bậy, khiến bản thân trở thành tội nhân.
Vì vậy, nếu biết phân rõ phải trái thì sẽ giải quyết mọi việc nhanh chóng, dứt khoát; nếu không quên lễ nghi liêm sỉ, làm người luôn ngay thẳng, sẽ không thông đồng làm bậy với những kẻ xấu ác.
4, “Quyền thế chi đồ, tuy chí thân diệc tác uy phúc, khởi tri yên vân quá nhãn, dĩ lập kiến kỳ tiêu vong; gian tà chi bối, tức bình địa diệc khởi phong ba, khởi tri quỷ thần hữu linh, bất khẳng thính kỳ điên đảo”.
Tạm dịch: Những kẻ có quyền, có thể lực kia, tùy ở trước mặt người thân hay bạn bè cũng đều tìm cách phô trương quyền thế của họ mà làm mưa làm gió, nhưng họ đâu biết rằng quyền thế cũng là thứ rất dễ tiêu tan giống như mây khói vậy.
Những kẻ gian ác, hiểm độc dù trong những ngày tháng thái bình vô sự, cũng có thể làm xằng làm bậy một phen, họ đâu biết rằng trong thế gian con người luôn có quỷ thần đang ngầm dõi theo. Những hành vi tà ác cuối cùng sẽ thất bại, sự thật sẽ có ngày bị phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật.
5, “Khí tính bất hòa bình, tắc văn chương sự công, câu vô túc thủ; ngữ ngôn đa kiểu sức, tắc nhân phẩm tâm thuật, tẫn chúc khả nghi”.
Tạm dịch: Nếu một người không thể bình tâm tĩnh khí trong xử thế đối đãi với người khác, chính là có thể kết luận rằng trên con đường học vấn và sự nghiệp, anh ta không có chỗ gì đáng để noi theo cả.
Nếu lời nói của một người là giả dối không thật, vô luận nhân phẩm hay tâm tính của họ có biểu hiện cao quý đến đâu, cũng đều sẽ khiến người khác nghi ngờ.
6, “Tố thiện hàng tường, bất thiện hàng ương, khả kiến trần thế chi gian, dĩ phân thiên đường địa ngục; nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý, khả tri dong ngu chi bối, bất cách thánh vực hiền quan”.
Tạm dịch: Người làm việc tốt sẽ đắc được phúc báo, làm việc xấu sẽ chiêu mời tai họa, có thể thấy trong cõi hồng trần này đã phân rõ ranh giới giữa thiên đường và địa ngục rồi. Nếu mỗi một người có thể thông suốt đạo lý trong đó, thì ngay cả những kẻ tầm thường và ngu ngốc cũng có thể đạt đến cảnh giới của bậc thánh nhân.
7, “Sầu phiền trung cụ tiêu sái khâm hoài, mãn bão giai xuân phong hòa khí; ám muội xử kiến quang minh thế giới, thử tâm tức bạch nhật thanh thiên”.
Tạm dịch: Trong khốn cảnh của ưu sầu và phiền não, nếu có thể giữ được tấm lòng độ lượng, phóng khoáng, thì sẽ giống như làn gió xuân thoải mái và ấm áp; nếu có thể nhìn thấy thế giới tươi sáng trong hoàn cảnh mờ mịt tối tăm, trái tim bạn sẽ được giống như một thế giới nơi mặt trời đang tỏa sáng rực rỡ.
Tấm lòng vô tư sẽ thấy được sự bao la, rộng lớn của trời đất. Chỉ những người có tâm hồn rộng mở mới có thể giữ được tâm trạng lạc quan khi đối mặt với khó khăn phiền muộn, chỉ có người có chí tiến thủ mới thấy được hạnh phúc khi đối mặt với nghịch cảnh, mới không dễ dàng từ bỏ lý tưởng, thay đổi hoài bão của bản thân.
8, “Tự phụng tất giảm kỷ phân phương hảo, xử thế năng thối nhất bộ vi cao”.
Tạm dịch: Chi phí trong sinh hoạt hàng ngày nhất định phải tiết kiệm một chút là tốt hơn cả; đối nhân xử thế mà biết nhường nhịn, bao dung mới được coi là bậc cao minh.
9, “Thiên tuy hiếu sinh, diệc nan cứu cầu tử chi nhân; nhân năng tạo phúc, tức khả yêu hối họa chi thiên”.
Tạm dịch: Mặc dù thiên thượng có đức hiếu sinh, cũng khó cứu được người một lòng muốn chết; người ta nếu có thể luôn làm nhiều việc tốt tạo phúc, có thể khiến cho tai họa sẽ không bao giờ xảy ra, giống như họ đã được ông trời cứu giúp, họ sẽ được miễn trừ tai họa.
10, “Ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên, nhiên nhân dục ký thắng, thiên lý hoặc vong; cố hữu đạo chi sĩ, tất sử ẩm thực hữu tiết, nam nữ hữu biệt”.
Tạm dịch: Người xưa không phản đối việc ăn uống, mà phản đối việc coi trọng dục vọng, coi nhẹ phẩm đức. Dục vọng là điều đáng sợ nhất trên thế giới này. Một khi người ta phóng túng dục vọng bản thân, mặc cho chúng tùy ý sinh trưởng, sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp. Vì vậy, một người có tu dưỡng đạo đức chắc chắn sẽ kiểm soát được chế độ ăn uống và giữ mình trong sạch.
Theo Secret China
Vũ Dương biên dịch