bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về tính chất của loạt bài Tần Hán sử so với Tiếu đàm phong vân – Tần Hoàng Hán Vũ, chủ yếu về khoảng thời gian và phân tích nguyên nhân sự việc. Tiếp theo là 2/4 thời kỳ lịch sử Trung Quốc.

Thời kỳ thứ nhất là Tiên Tần, thời kỳ thứ hai là từ nhà Tần đến nhà Tuỳ.

Ở thời kỳ lịch sử thứ ba, giáo sư Viên Hành Bái phân từ nhà Tuỳ cho đến năm 1521, tức những năm cuối thời Chính Đức của Minh Vũ Tông. Nhưng cách chia này Giáo sư Chương Thiên Lượng thấy có chút khiên cưỡng. 

Giáo sư Chương phân thời kỳ lịch sử thứ ba này, vẫn từ lúc nhà Tuỳ kiến lập, nhưng điểm cuối là Chiến tranh Nha phiến 1840. Vậy thì sau Chiến tranh Nha phiến đã phát sinh thay đổi gì?

Giáo sư Chương giảng tiếp về thời kỳ lịch sử thứ ba, có người gọi Tuỳ Đường là đế quốc thứ hai, tức Tần Hán là đế quốc thống nhất đầu tiên, Tần 15 năm, còn Hán thì 400 năm. Tuỳ Đường cũng là thời kỳ đế quốc thống nhất khá dài, Tuỳ khoảng 38 năm, Đường khoảng 290 năm. Cho nên Tuỳ Đường cũng được gọi là đế quốc thống nhất thứ hai. 

Sau khi Tuỳ thống nhất, thịnh vận lại một lần nữa đến Trung Quốc, khai sáng ra thời đại hoàng kim trong văn minh Trung Hoa. Thời kỳ thứ ba này có thể phân thành 2 phần: Thời kỳ thống nhất và thời kỳ chia cắt sau của Tuỳ Đường.

Loại thống nhất của Tuỳ Đường, trong sách giáo khoa lịch sử chúng ta cảm thấy dường như chưa từng chia cắt, cảm giác như triều Tuỳ và Đường thật cường đại. Nhưng bởi vì khi chúng ta học lịch sử, thông thường học An Sử chi loạn (安史之亂: loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, gọi tắt là loạn An Sử), thì đoạn sau đó không giảng. Giáo sư Chương nói, nếu chúng ta xem kỹ lịch sử, sẽ phát hiện rằng sau An Sử chi loạn, Trung Quốc lại tiến nhập sang thời kỳ chia cắt.

Loại chia cắt này, sau khi An Sử chi loạn kết thúc, Hoàng đế Đại Đường lúc đó là làm một quyết định vô cùng sai lầm, cũng có thể nói là thoả hiệp. Ông nôn nóng kết thúc An Sử chi loạn, cho nên đã đem những phản tướng của An Sử (không bắt họ lại, hoặc xử tử) tiếp tục cho làm Tiết độ sứ. 

Điều này nghĩa là An Sử chi loạn chỉ là kết thúc trên danh nghĩa, gia tộc của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã kết thúc, nhưng những tướng quân thủ hạ của An Sử sau này lại biến thành những Tiết độ sứ của phiên trấn (藩鎮: trấn ngoài kinh thành).

Chúng ta nhìn vào bản đồ này sẽ biết rằng, đây là những phiên trấn thời Nguyên Hoà, quốc gia đã chia cắt đến mức độ như thế. Phiên trấn thời đó nhiều nhất lên đến con số 40. Tức là từ 10 phiên trấn trước An Sử chi loạn, sau khi An Sử chi loạn kết thúc đã biến thành 40 phiên trấn. Chính quyền Đại Đường khi đó đã là ‘danh tồn thực vong’ (名存實亡: tên còn nhưng thực lực đã mất).

Số lượng phiên trấn những năm Nguyên Hoà thời Đường. 

Tình huống chia cắt này vẫn tiếp tục đến thời Ngũ đại Thập quốc, bản chất của Ngũ đại Thập quốc là tiếp nối của An Sử chi loạn. Sau đó là Bắc Tống kiến lập. Trên thực tế Bắc Tống không phải là một vương triều thống nhất, nó đồng tồn với nhiều quốc gia khác, giống như Tây Hạ ở tây bắc, Liêu ở phía bắc, sau đó xuất hiện Kim ở phía bắc, còn có Đại Lý ở tây nam, Thổ Phồn (吐蕃: Tibet, Tây Tạng) ở phía tây v.v. đều thuộc về những chính quyền cùng tồn tại với Bắc Tống. Cho nên Tống cũng thuộc về thời đại chia cắt. Loại chia cắt này kết thúc vào nhà Nguyên, tức nhà Nguyên lại lần nữa thống nhất Trung Quốc.

Liên quan đến thời kỳ thứ ba, đã chia nó thành hai phần:

  • Đế quốc thống nhất Tuỳ Đường một phần.
  • Phần còn lại là giai đoạn chia cắt. 

Điểm kết thúc của thời kỳ lịch sử thứ ba, giáo sư Viên Hành Bái vạch ở năm 1521, tức những năm cuối thời Chính Đức vua Minh Vũ Tông. Loại phân chia này kỳ thực chúng ta có thể cùng nhau bàn bạc.

Giáo sư Viên Hành Bái của Đại học Bắc Kinh. 

Nguyên nhân giáo sư Viên Hành Bái phân như vậy, thì Giáo sư Chương cho rằng có tham khảo cách phân chia lịch sử của phương tây. Bởi vì chúng ta biết rằng, phương tây thông thường lấy năm 1500 làm giới tuyến.

Trước năm 1500, phương tây gọi đó là thời kỳ Trung Cổ, sau năm 1500 được tính là xã hội cận đại. Sở dĩ phương tây phân như vậy là vì vào năm 1453, đã phát sinh một sự kiện trọng đại đó là: Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ quật khởi (崛起: trỗi dậy) và Đế quốc Đông La Mã Byzantine diệt vong.

Chúng ta biết rằng đế quốc Ottoman là quốc gia Hồi giáo. Giữa Ottoman với và Đốc giáo, Thiên Chúa giáo đã nhiều lần trải qua chiến tranh, sau đó đế quốc Ottoman tiêu diệt đế quốc Đông La Mã. Sự diệt vong của đế quốc Đông La Mã sau này dẫn đến rất nhiều sự việc.

Thứ nhất là Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, bởi vì nó nằm ở giữa lục địa Âu Á. Khi mậu dịch (buôn bán) đông tây tương đương với việc bị đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại. Vì để thực hiện và buôn bán giữa đông và tây, nên rất nhiều quốc gia châu Âu quyết định thông qua đường biển để vận chuyển thương phẩm hàng hoá của họ đến châu Á và các địa phương khác, hoặc mua hàng hoá từ những nơi ấy. Như thế đã bắt đầu thời đại ‘đại hàng hải’. 

Vị trí của đế quốc Ottoman (màu da cam) trên bản đồ.

Vào năm 1453, khi đế quốc Đông La Mã diệt vong, thì đến năm 1492 Colombo đã phát hiện đại lục mới. Sau đó đến đầu thế kỷ 16, Ma-gien-lăng đã vòng quanh thế giới. Kỳ thực thời ấy ở Trung Quốc còn có Trịnh Hoà ‘hạ tây dương’ (下西洋: hạ buồm đi về tây đại dương đến các khu vực giáp Ấn Độ Dương), đây cũng là quá trình liên lạc với các nước khác bằng đường hàng hải trên biển. Do đó sau khi đế quốc Đông La Mã diệt vong thì thế giới tiến nhập vào thời đại đại hàng hải.

Tiếp nữa, vì sự diệt vong của đế quốc Đông La Mã, nên rất nhiều học giả mang theo tác phẩm nghệ thuật được lưu từ thời Hy Lạp cổ đại để đến Ý, thế là ở nơi đây đã xuất hiện Thời kỳ Phục Hưng. Đây cũng là sự kiện trọng đại xuất hiện sau năm 1500, còn có sự hưng khởi của Tân giáo Cơ Đốc giáo (Tin lành/Phúc Âm). Những sự kiện này đều liên quan đến Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt đế quốc Đông La Mã. Do đó điểm thời gian này trở thành điểm phân chia giữa thời kỳ Trung Cổ và Cận đại.

Trong cuốn Trung Hoa văn minh sử của giáo sư Viên Hành Bái đã lấy khoảng năm 1500 để làm điểm cuối cho thời kỳ lịch sử thứ ba. 

Nhưng trên thực tế, theo góc nhìn của Giáo sư Chương, thì điểm cuối cho thời kỳ lịch sử thứ ba là nên cắt ở năm 1840, chính là thời điểm Chiến tranh Nha phiến (Chiến tranh Thuốc phiện). Bởi vì sau Chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc đã bắt đầu một biến cục (變局: cục diện biến đổi, cục diện thay đổi) trọng đại. Biến cục này đến nay vẫn chưa kết thúc, thậm chí chúng ta cũng không biết trong tương lai còn tiếp tục bao lâu.

Tiếp đến, Giáo sư Chương giảng về thời kỳ lịch sử thứ tư, tiếp tục theo cách nói của giáo sư Viên Hành Bái, tức những năm giữa triều Minh đến nay. Trong đó có một điểm chia rất quan trọng đó là Cách mạng Tân Hợi năm 1911, tức thời kỳ lịch sử thứ tư này lại phân thành 2 phần. 

4 thời kỳ lịch sử Trung Quốc và vị trí của Cách mạng Tân Hợi năm 1911.

Vì sao Giáo sư Chương lại cho rằng thời kỳ lịch sử thứ ba nên vạch ở Chiến tranh Nha phiến năm 1840? Bởi vì Chiến tranh Nha phiến năm 1840 đã làm Trung Quốc ‘mở to mắt nhìn thế giới’. 

Trước đó, người Trung Quốc đối với văn hoá Trung Quốc có một loại tự tin vô cùng lớn. Vì sao? Bởi vì trong lịch sử, Trung Quốc đã từng nhiều lần bị các dân tộc thiểu số xâm lược, diệt vong, giống như ‘Vĩnh Gia chi loạn’ tiêu diệt chính quyền Tây Tấn do người Hán kiến lập, sau đó ở phương bắc bắt đầu thời đại chiến tranh chia cắt của các dân tộc thiểu số, chúng ta gọi đó là ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’ (5 tộc thiểu số làm loạn Trung Hoa). 

Tuy về mặt vũ lực của họ mạnh hơn tộc Hán ở Trung Nguyên, nhưng về mặt văn hoá lại lạc hậu. Cho nên hễ họ tiến nhập vào Trung Nguyên thì rất nhanh bị tộc Hán đồng hoá, gồm cả các tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ thời Bắc Tống v.v. Điều này nghĩa là dù vũ lực của tộc Hán không bằng, nhưng về mặt văn hoá thì ưu việt.

Nhưng Chiến tranh Nha phiến năm 1840 đã cho người Trung Quốc một gậy: Không chỉ về mặt vũ lực đánh không lại phương tây, phương tây có ‘thuyền kiên pháo mạnh’, đồng thời về mặt văn hóa cảm giác như họ cũng không sai khác mấy so với Trung Quốc. Cũng tức là họ mang văn minh Cơ Đốc giáo mà đến Trung Quốc.

Trong tưởng tượng của nhiều người trong quá khứ, ngoài Trung Quốc, thì những người còn lại đều là dân tộc còn hoang dã, ‘đông Di tây Nhung, nam Man bắc Địch’ (các tộc thiểu số ở đông tây nam bắc). Nhưng lần Chiến tranh Nha phiến này, Trung Quốc phát hiện người châu Âu, không chỉ về mặt văn hoá rất tiên tiến, mà còn về chế độ chính trị cũng tiên tiến hơn Trung Quốc, cũng tức là rất nhiều người nhận thức được chế độ dân chủ phương tây. 

Những quan tâm của dân chúng không phải do một quan viên nào đó quyết định, mà phải có sự đảm bảo của chế độ. Cho nên lúc đó có rất nhiều học giả Trung Quốc vô cùng khao khát chế độ dân chủ của phương tây, thậm chí họ nói: ‘Chế độ Cộng hoà thực hiện ở phương tây có nét giống xã hội lý tưởng của Nho gia’, tức phong cách di lưu lại của ba thời Hạ – Thương – Chu.

Cho nên lúc đó Trung Quốc đối mặt với việc: làm sao đối phó với xâm lược, đối phó với xung kích của văn hoá phương tây. Lúc ấy có có một số nhân sĩ cảm thấy Trung Quốc đang đối mặt với biến cục vô cùng lớn. 

Vào năm Đồng Trị thứ 11, một quan chức nhà Thanh là đưa cho Hoàng đế một bản tấu tên là ‘Bản tấu thảo luận về việc chế tạo tàu thuỷ hơi nước không thể bị bãi bỏ’.

Lý Hồng Chương và tên ‘Bản tấu thảo luận về việc chế tạo tàu thuỷ hơi nước không thể bị bãi bỏ’. 

Khi ấy Hoàng đế Đồng Trị chuẩn bị bãi bỏ một số công xưởng quân giới, công xưởng chế tạo tàu thuỷ hơi nước. Đồng Trị cho rằng việc này rất tốn tiền, cho nên Lý Hồng Chương đã nói với Hoàng đế rằng: ‘Việc này tuyệt không thể bãi bỏ’. Trong bản tấu, Lý Hồng Chương nói:

Trong 100 năm nay, các quốc gia châu Âu đã kinh qua Ấn Độ rồi đến Nam Dương (bán đảo Mã Lai, Indonesia). Từ Nam Dương đến Trung Quốc, đã xông vào biên giới, thậm chí xông vào ‘phúc địa’ (腹地: nội địa). Trong sách sử chúng ta trước đây chưa từng ghi chép lại, từ xưa đến nay đều không có bất cứ giao lưu nào với các quốc gia đó, nhưng từng nước từng nước đã đến Trung Quốc.

(Bản gốc là Hán cổ, ở trên là bản đã dịch sang bạch thoại. Còn ở dưới có trích một vài đoạn để phân tích)

Giáo sư Chương thấy rằng, Lý Hồng Chương giảng rất khách khí rằng ‘Sấm quan nhi cầu hộ thị’ (闖關而求互市), tức ‘họ gõ cửa Trung Quốc, sau đó tính làm ăn’, nhưng trên thực tế là dùng súng pháo để vào Trung Quốc. Cuối cùng chính phủ triều đình nhà Thanh không những làm ăn buôn bán dưới những hiệp ước bất bình đẳng, mà còn cắt đất bồi thường, đồng thời buộc phải mở thị trường cho họ. Trung Quốc không chủ động mở cửa thị trường, mà bị súng pháo của họ ép cho mở.

Sau đó Lý Hồng Chương nói cũng rất khách khí rằng: 

Hoàng thượng của chúng ta rất đại độ, tuy rằng họ muốn kinh doanh với chúng ta, đã đem súng tới, nhưng chúng ta không tính toán với họ. Chúng ta đã đồng ý. Thông qua phương thức kinh doanh để làm lung lạc họ. Địa cầu này không phân nam bắc đông tây, 9 vạn dặm, đều là những người ấy tụ hội ở Trung Quốc. Đây là ‘Biến cục chưa từng có trong 3000 năm‘. 

Vì sao Lý Hồng Chương xem đây là ‘Biến cục chưa từng có trong 3000 năm’? Vậy thì 3000 năm trước (tính từ thời của Lý Hồng Chương) đã xảy ra điều gì? Nếu quay trở lại 3000 năm, từ 1872 lùi về 3000 năm, tức là khi nhà Chu kiến lập. Lý Hồng Chương cho rằng ‘Biến cục chưa từng có trong 3000 năm’ đã từng phát sinh trước đây 1 lần. 

Giáo sư Chương nói, không biết ông ấy (Lý Hồng Chương) rốt cuộc có thuận miệng mà nói hay không, nhưng trên thực tế nếu chúng ta so sánh một chút, chúng ta sẽ phát hiện: những sự việc phát sinh sau năm 1840 (Chiến tranh Nha phiến), gồm cả sự phát triển của xã hội, toàn cầu hoá mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, thì trước đây 3000 năm xác thực có rất nhiều chỗ giống nhau. Đại thể như thế nào thì trong bài sau Giáo sư Chương sẽ giảng những chỗ giống nhau đó, tổng kết thành 7 điểm. 

Do đó Tần Hán sử này của sẽ giảng từ Chu Tần chi biến, bởi vì thời ấy cách chúng ta 3000 năm. 

Trước Chu Tần chi biến, Giáo sư Chương nói một chút rằng: Sau Chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc đã trải qua biến cục, cho đến cách hồi ứng (回應: ứng phó). Trung Quốc hồi ứng kỳ thực trải qua 4 giai đoạn:

  • Khí vật dẫn tiến (器物引進): học tập kỹ thuật của phương tây.
  • Cải cách chế độ: bắt đầu trong nội bộ đế quốc tiến hành một số cải cách hoặc biến pháp (變法: cải cách, thay đổi). Sau này phát hiện không được. 
  • Đại Thanh lập hiến: Đại Thanh học tập chế độ Quân chủ lập hiến phương tây. 
  • Cách mạng Tân Hợi: lật đổ đế chế, hướng về Cộng hoà. Đồng thời từ phương diện văn hoá bắt đầu xích lại gần phương tây.

Toàn bộ những biến hoá này ra sao, và 7 điểm giống nhau giữa hiện nay với ‘Chu Tần chi biến’ như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Link Tần Hán sử tập 1: Tự luận. 

(**) Ảnh trong bài chụp từ Tần Hán sử tập 1.