Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 6/2, khi một khán giả đã hỏi Giáo sư Chương Thiên Lượng đại ý rằng: Đã xem qua Tần Hán sử của Giáo sư Đại học Thanh Hoa là Tần Huy, về các góc độ chính trị, chế độ, lý luận, khảo cổ… khá có ‘tính học thuật’. 

Giáo sư Chương cũng làm loạt bài Tần Hán sử, vậy thì Tần Hán sử của Giáo sư Chương có khác biệt gì?

Trong chương trình ngày 6/2 đó, Giáo sư Chương có trả lời giản lược. Còn trong bài đầu tiên của loạt bài lịch sử quy mô lớn thứ ba là ‘Tần Hán sử’ đăng lên trang mạng thành viên ‘Kiền tịnh thế giới’ (乾淨世界: Ganjing World) Giáo sư Chương đã trả lời rất chi tiết.

Vì sao trang mạng thành viên mà chúng ta được đọc/xem? Bởi vì đây là tập Giáo sư Chương cho xem miễn phí, còn các tập sau có trả phí, nếu quý độc giả nào quan tâm và biết tiếng Trung thì có thể đăng ký. Còn Giáo sư Chương đã cho thì chúng ta cảm ơn và xin nhận.

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ chút nhìn nhận của mình. Kiến thức là có giá trị, khi bạn muốn có kiến thức thì phải trả gì đó. Vào thời Xuân Thu, nếu bạn muốn học Khổng Tử thì phải trả ‘học phí’ là 10 miếng thịt khô/năm. Hay như bạn đi học đại học cũng phải trả học phí. 

Theo lời Giáo sư Chương kể, thì loạt bài ‘Trung Hoa văn minh sử’ hay ‘Tần Hán sử’, là một môn học 3 tín chỉ ở Đại học Phi Thiên, 3 tín chỉ trị giá 1000 đô (khoảng 23 triệu đồng). Nhưng khi Giáo sư Chương mở trang mạng thành viên thì chỉ lấy phí 99 đô/năm (2 triệu 3), khi có khuyến mãi thì giảm còn 69 đô (1 triệu 6).

Ở đây tôi không có ý quảng cáo, chỉ là muốn nói một chút nhận thức thông thường về vấn đề trả phí.

Do đó khi chúng ta nhận được những bài mà Giáo sư Chương cho miễn phí, chúng ta nên giữ một sự cảm ân và trân trọng. Tôi tin rằng những kiến thức/thông tin đó thật sự có giá trị và có tính gợi mở trong tương lai.

Vì loạt bài này là môn học ở đại học, cho nên mang tính học thuật cao. Về phần mình, chúng tôi sẽ cố gắng truyền tải đến quý độc giả một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Không để quý độc giả đợi lâu, chúng ta cùng vào tập đầu tiên của Tần Hán sử tên là Tự Luận (緒論: Lời giới thiệu). Trong đó đưa ra rất nhiều thông tin, đủ để chúng ta trả lời câu hỏi nêu ra ở tiêu đề: ‘Vì sao ‘Tứ thế Tam công’ thời Đông Hán giống chế độ phong kiến thời nhà Chu?’. 

Tần Hán sử khác Tần Hoàng Hán Vũ ở 2 phương diện

Hôm nay (23/2), Giáo sư Chương Thiên Lượng bắt đầu loạt bài Tần Hán sử. Mọi người đều biết Giáo sư Chương đã từng kết hợp với đài truyền hình Tân Đường Nhân để làm loạt bài lịch sử quy mô lớn là ‘Tiếu đàm phong vân’ 5 phần, phần thứ hai tên là Tần Hoàng Hán Vũ. Cho nên nhiều người hỏi Giáo sư Chương rằng: Tần Hoàng Hán Vũ và Tần Hán sử có chỗ nào khác nhau. Giáo sư Chương nói, chủ yếu khác nhau ở hai phương diện.

Phương diện thứ nhất là về khoảng của thời gian. Tần Hoàng Hán Vũ là từ Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ đến lúc Hán Vũ Đế băng hà, tức khoảng thời gian 130 năm từ năm 221 TCN đến năm 87 TCN.

Đoạn lịch sử này ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến lịch sử của Trung Quốc, bởi vì nó liên quan rất lớn đến chế độ chính trị của Trung Quốc và quá trình khám phá hình thái ý thức quốc gia. Nhưng khi giảng Tần Hoàng Hán Vũ, thì Giáo sư Chương không giảng quá trình khám phá ấy, đơn thuần chỉ là giảng sử, ‘lấy sự thật lịch sử làm chủ đạo’.

Nhưng khi Giáo sư Chương giảng loạt bài Tần Hán sử này, thì ngoài sự thật lịch sử, Giáo sư Chương sẽ giảng nhiều hơn về nguyên nhân phát sinh đại sự lịch sử, tức ‘vì sao có biến đổi xã hội như vậy’. Đây là chỗ khác biệt thứ nhất.

Chỗ khác biệt thứ hai, loạt bài Tần Hán sử này sẽ giảng lịch sử hoàn chỉnh của thời Tần Hán, thậm chí còn đi qua thời kỳ Tiên Tần, tức trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ đã phát sinh sự việc gì. Đương nhiên Giáo sư Chương sẽ không giảng cụ thể thời kỳ Chiến Quốc phát sinh sự việc gì như ‘hợp tung liên hoành’, nhưng sẽ giảng một chút về hình thái ý thức của Trung Quốc trước thời Tần là gì.

Chúng ta biết rằng, sự kiến lập của nhà Tần được những học giả gọi là: ‘Biến cục chưa từng có trong 3000 năm’, chính là sự kiến lập của nhà Tần là một biến hoá vô cùng lớn trong lịch sử Trung Quốc. 

Thời Chu Tần được giới sử học gọi là: ‘Biến cục chưa từng có trong 3000 năm’ (Tam thiên niên vị hữu chi biến cục – 三千年未有之變局).

Khi xem lịch sử, chúng ta sẽ biết rằng từ nhà Chu đến nhà Tần, thì các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… rất nhiều phương diện khác đều phát sinh biến hóa vô cùng to lớn. Loại biến hoá này có thể nói là mang tính cách mạng, hơn nữa còn kéo dài khoảng 700 năm, tức bắt đầu từ thời Xuân Thu đến thời kỳ của Hán Vũ Đế, khoảng 700 năm khám phá ‘quản lý quốc gia như thế nào’, ‘quốc gia nên có văn hóa như thế nào’ v.v.

Vậy thì Giáo sư Chương sẽ giảng một chút về hình thái ý thức trước thời Tần, gồm cả phương diện chính trị, kinh tế v.v. Sau đó sẽ từ bắt đầu từ thời Tần Thuỷ Hoàng đến Hán Vũ Đế. Sau Hán Vũ Đế còn có khoảng 300 năm nữa, tức từ khi Hán Vũ Đế băng hà vào năm 87 TCN, đến khi Tào Phi soán Hán vào năm 220 SCN.

Do đó Tần Hán sử sẽ giảng từ Tiên Tần đến khi nhà Hán kết thúc, khoảng thời gian (so với Tần Hoàng Hán Vũ) là khác nhau. Thêm nữa Tần Hán sử sẽ tập trung phân tích đại sự của lịch sử, diễn biến của lịch sử.

2/4 thời kỳ lịch sử

Sự kiến lập của nhà Tần là một điểm rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Ở hình vẽ này, nếu chúng ta đem lịch sử 5000 năm của Trung Quốc phân thành 3 giai đoạn Phân phong (Phong kiến), Đế chế (Chế độ Hoàng đế) và Cộng hoà, thì trong đó có 2 điểm cắt: Một điểm cắt ở Tần, một điểm cắt khác ở Cách mạng Tân Hợi năm 1911. 

Nếu đem lịch sử 5000 năm của Trung Quốc phân thành 3 giai đoạn, thì Tần và Cách mạng Tân Hợi năm 1911 là 2 điểm cắt vô cùng quan trọng.

Vì sao phân như vậy? Bởi vì trước thời Tần, Trung Quốc thi hành chế độ chính trị Phân phong (分封: phân đất phong hầu, phong kiến), chúng ta có thể gọi đây là thời kỳ ‘vương quốc’, thậm chí trước đó chúng ta có thể gọi nó là ‘xã hội thị tộc’ (xã hội những người có quan hệ huyết thống).

Đến thời Tần 221 TCN, Trung Quốc bắt đầu có Hoàng đế, chính là tiến vào Thời đại Đế chế, một mạch cho đến Cách mạng Tân Hợi năm 1911. Cách mạng Tân Hợi phế trừ Đế chế, đi về Cộng hoà. Do đó mới nói 5000 lịch sử có 2 điểm phân chia vô cùng quan trọng: một là Tần, hai là Cách mạng Tân Hợi 1911.

Chính vì 2 điểm này là Tần và Cách mạng Tân Hợi đã khiến xã hội Trung Quốc phát sinh biến hóa cự đại.

Nói về biến hoá thời Tần, có thể một số người thấy khá vô cảm (không có cảm giác), bởi vì cách quá xa, khoảng 2200 năm, thậm chí trước đó còn xa xôi hơn. Nhưng những thay đổi vào thời cận đại, thì mỗi chúng ta đều cảm nhận được. Từ Cách mạng Tân Hợi, Trung Quốc tiến vào thời kỳ biến động, đến lúc ĐCSTQ đoạt được chính quyền, đến hôm nay chúng ta thấy toàn cầu hoá, gồm cả những phát triển mạnh mẽ về mặt khoa học v.v. đã xung kích (đụng chạm) đến cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Kỳ thực những xung kích chúng ta đối mặt hiện nay, thì cách đây 3000 năm trước, tức trước và sau khi kiến lập nhà Tần, có rất nhiều chỗ vô cùng giống. Đây là lý do vì sao Giáo sư Chương coi Tần Hán sử là một chủ đề quan trọng để giảng.

Tiên Tần: gồm Tiên Hạ, và Hạ – Thương – Chu

Tiếp theo chúng hãy xem hình ảnh bên dưới, liên quan đến phân chia thời kỳ lịch sử của Trung Quốc. Việc phân chia thời kỳ lịch sử này trong cuốn Trung Hoa văn minh sử Giáo sư Chương đã giảng, nhưng vì tính liên tục của chương trình nên đã giảng lại lần nữa.

Lịch sử Trung Quốc được giới sử học phân thành 4 thời kỳ.

Theo cách phân của giáo sư Viên Hành Bái chia thành 4 thời kỳ. 3 thời kỳ đầu, Giáo sư Chương cũng đồng ý với cách phân này, nhưng ở thời kỳ thứ tư, Giáo sư Chương có cách phân khác. Trong phạm vi bài viết này sẽ nói về 2 thời kỳ đầu.

Thời kỳ thứ nhất là từ tiền sử đến lúc Tần thống nhất. Đoạn lịch sử này có thể gọi là thời kỳ Tiên Tần (先秦: trước thời Tần). Thời kỳ Tiên Tần lại được phân làm 2:

  • Một là trước thời kỳ nhà Hạ, có thể gọi là thời kỳ Tiên Hạ.
  • Phần ở sau là 3 triều Hạ – Thương – Chu.

Vì sao lại phân chia như vậy? Bởi vì trước thời nhà Hạ, người thống trị của Trung Quốc họ dùng phương thức ‘thiện nhượng’ (禪讓: nhường ngôi) để truyền, đây gọi là ‘tuyển hiền cử năng’ (選賢舉能: tuyển chọn người hiền, tiến cử người năng lực), ‘giảng tín tu mục’ (講信修睦: nói về tín và hoà mục), tức là chiểu theo xã hội lý tưởng của Nho gia: tuyển chọn những người có năng lực và đạo đức để phụ trách trị lý quốc gia. 

Đến sau nhà Hạ, thì bắt đầu xuất hiện vương triều ‘thiên hạ của một gia/nhà’ (Gia thiên hạ – 家天下), cũng tức là phụ tử hoặc huynh đệ truyền cho nhau. 3 triều Hạ – Thương – Chu đều là ‘thiên hạ của một nhà’. Do đó chúng ta lấy thời kỳ nhà Hạ làm phân chia lịch sử.

Thời Tiên Hạ (trước nhà Hạ) chủ yếu là thời kỳ của Thần thoại và Truyền thuyết, từ ‘Bàn Cổ khai thiên địa’ cho đến ‘Đại Vũ trị thuỷ’, có rất nhiều sắc thái thần thoại. Trên thực tế, thời kỳ Tiên Hạ không phải không có chi chép tín sử, trong ‘Sử ký – Ngũ Đế bản kỷ’ cũng giảng về thời kỳ Tiên Hạ.

Trong Sử ký, thời kỳ Hạ Thương cũng có ghi chép nhưng tương đối giản lược. Đến thời nhà Chu mới ghi chép hoàn bị (hoàn chỉnh), chi tiết. Đây là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc.

Từ Tần đến Tuỳ: gồm Tần Hán và Nguỵ Tấn – Nam bắc triều

Thời kỳ thứ hai là từ lúc Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ đến lúc nhà Tuỳ (Tuỳ Văn Đế Dương Kiên) thống nhất thiên hạ, đoạn giữa này khoảng 800 năm. Đoạn 800 năm này lại phân thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 400 năm. 

Đoạn 400 năm trước là thời kỳ đế quốc thống nhất, đó là Tần và Hán. Đoạn 400 năm sau là thời kỳ chia cắt, tức thời kỳ Nguỵ Tấn – Nam bắc triều.

Trên thực tế, nhà Tần thống nhất là một sự kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, chính là xuất hiện một đế quốc thống nhất to lớn, không chỉ là trong lịch sử Trung Quốc, mà trong lịch sử thế giới cũng là ‘trước nay chưa từng có’.

Trước thời Tần, ở xã hội phương tây cũng từng xuất hiện một vài đế quốc lớn như Đế quốc Ba Tư, Đế quốc Macedonia… Nhưng những đế quốc này đều kiến lập trên cơ sở lấy quân sự để chinh phục, ngôn ngữ, văn hoá trong nước khác nhau rất nhiều. Ví như ở địa khu Hy Lạp, địa khu Ấn Độ, những nơi này có văn hoá và ngôn ngữ khác nhau rất nhiều. Đồng thời kết cấu chính trị của đế quốc đó cũng khá tán loạn. Đặc biệt bởi vì đế quốc do cường nhân (kẻ mạnh) kiến lập, dựa vào quân sự để chinh phục, cho nên hễ sau khi cường nhân mất, thì đế quốc cũng chia rẽ tan rã.

Nhưng Trung Quốc lại không như thế. Dù Tần Thuỷ Hoàng cũng là một người mạnh mẽ, nhưng đế quốc thống nhất mà ông kiến lập, tuy ở giữa từng có Sở Hán chiến tranh, hay Trần Thắng – Ngô Quảng tạo phản, nhưng về cơ bản là thống nhất kéo dài được 400 năm. Hơn nữa 400 năm này còn kiến lập được văn hoá thống nhất và hình thái ý thức quốc gia thống nhất. Điều này hoàn toàn khác với phương tây.

Hơn nữa việc quản lý theo chế độ quận huyện của Tần Thuỷ Hoàng cũng vô cùng hoàn thiện, gồm cả việc thiết kế cơ cấu quan lại, tiền tệ, hệ thống pháp luật v.v. đều là những điều mà các quốc gia khác chưa từng xuất hiện.

Do đó sự xuất hiện của đế quốc Tần Hán có thể là một điểm phân chia lịch sử không còn nghi ngờ gì nữa.

Khi chúng ta nhìn đoạn lịch sử thứ hai sẽ thấy rất thú vị, trong 800 năm này được phân làm 2, mỗi thời kỳ 400 năm, đế quốc Tần Hán 400 năm, Nguỵ Tấn – Nam bắc triều 400 năm. 

Thời kỳ Tần Hán 400 năm giống cái bánh sandwich, bị kẹp giữa 2 thời kỳ chia cắt:

  • Thời kỳ chia cắt Xuân Thu – Chiến Quốc 500 năm ở phía trước. 
  • Và thời kỳ chia cắt Nguỵ Tấn – Nam bắc triều 400 năm ở phía sau.

Nghĩa là từ chia cắt đến thống nhất, rồi lại từ thống nhất đến chia cắt.

Nếu chúng ta xem ‘Tam quốc diễn nghĩa’ sẽ thấy được câu này: ‘Cái thế lớn trong thiên hạ, phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân’, nhưng Giáo sư Chương nói kỳ thực không phải như vậy. ‘Phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân’ là có nguyên nhân ở sau, nó không chỉ là có người tạo phản, thiên hạ đại loạn, mà ở giữa có nguyên nhân.

Trước thời Tần, hình thái xã hội của Trung Quốc là xã hội cộng đồng nhỏ. Xã hội cộng đồng nhỏ là xã hội mọi người biết nhau, lấy sự ấm áp thân tình (như trong huyết thống) để đối đãi với nhau, ninh kết (凝結: gắn kết) thành một xã hội như thế. Mọi người đều biết nhau, hơn nữa thường xuyên qua lại.

Nhưng sau khi Tần thống nhất, Trung Quốc trên cơ bản biến thành xã hội người lạ, xã hội người qua đường; tất cả mọi người đều biến thành ‘biên hộ tề dân’ (編戶齊民), địa vị của mọi người là bình đẳng. Đương nhiên trừ Hoàng đế, thì những người khác như quan viên, dân chúng đều làm việc cho Hoàng đế. Địa vị của quan viên có thể cao hơn một chút, họ làm việc cho Hoàng đế được trả lương. Lão bách tính cũng làm việc cho Hoàng đế, chỉ có điều họ lấy hình thức nộp thuế. 

Sau thời Hán, Trung Quốc tiến vào thời kỳ chia cắt. Vì sao? Điều này có quan hệ đến thiết kế chế độ chính trị của thời Hán. 

‘Tứ thế Tam công’ thời Đông Hán giống ‘thế khanh thế lộc’ thời nhà Chu

Khi đề cập đến nhà Hán, chúng ta biết đến 400 năm nhà Hán phân thành Tây Hán và Đông Hán, mỗi thời 200 năm. Tuy rằng Đông Hán trên danh nghĩa vẫn là ‘Hán’, thậm chí người sáng lập Đông Hán là Lưu Tú cũng là con cháu, hậu duệ của Lưu Bang. Nhưng Lưu Tú lại không có quá nhiều quan hệ với Lưu Bang, Lưu Tú là cháu 9 đời của Lưu Bang, hơn nữa tên của Lưu Tú không phải đăng ký trong hoàng tộc, ông cũng không có quan hệ gì với quan chức địa phương, mà ông là một hào cường (có tiền và thế lực) ở địa phương.

Tây Hán là chính quyền do bình dân kiến lập, vì Lưu Bang là ‘phường bố y (áo vải) khởi sự’, còn Lưu Tú (Đông Hán) là một ‘hào môn đại tộc’ (豪門大族: gia tộc lớn giàu có). Do đó chính trị thời Đông Hán từ khi bắt đầu đã khác rất nhiều so với Tây Hán.

Vào thời Đông Hán, thế lực của các ‘hào môn đại tộc’ càng ngày càng lớn. Vào thời Tây Hán hay đả kích những hào cường này, và những nhà giàu này không có thế lực. Nhưng đến thời Đông Hán, thế lực của ‘hào môn’ (豪門: nhà giàu) này càng ngày càng lớn, lớn đến mức ngang vai ngang vế với triều đình.

Khi xem ‘Tam quốc diễn nghĩa’ đều biết, hễ đề cập đến gia tộc họ Viên, Viên Thiệu hay Viên Thuật cũng vậy, đều đề cập đến một đặc điểm là ‘Tứ thế Tam công, môn sinh người làm có đầy thiên hạ’. ‘Tứ thế Tam công’ là liên tục 4 đời đều làm chức vị Tam công. Tam công gồm:

  • Thái uý.
  • Tư công.
  • Tư đồ.

Tam công tương đương với cán bộ cấp quốc gia. Chúng ta thử nghĩ, vị trí cán bộ cấp quốc gia tổng cộng có 3 chức, mà có thể trong một gia tộc truyền đến 4 đời. Đây là điều không thể tưởng tượng, vô cùng khó tin. Dựa vào điều gì mà con cháu của họ lại lợi hại đến thế? Một người làm Thủ tướng Chính phủ, con, cháu, chắt của người ấy vẫn làm Thủ tướng Chính phủ. Nên đây là một hiện tượng rất kỳ lạ.

Kỳ thực không chỉ là gia tộc họ Viên, mà trong thời Đông Hán có một người là Dương Tu (sau này bị Tào Tháo giết), thì họ Dương ấy cũng là ‘Tứ thế Tam công’. 

Từ đây cho thấy, thời Đông Hán đã bắt đầu xuất hiện những chức vụ trong triều đình mà có thể truyền từ đời này qua đời khác. Điều này lại giống với ‘thế khanh thế lộc’ (世卿世祿: công khanh và bổng lộc truyền đời) thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Cũng tức là quyền lợi chính trị của quốc gia đã bị ‘thế gia đại tộc’ (世家大族: gia tộc lớn có thế lực) chia cắt, hơn nữa truyền đời này qua đời khác trong một vài gia tộc. 

Do đó giới sử học có một cách nói là ‘Hán Nguỵ chi biến’ (漢魏之變: những thay đổi thời Hán Nguỵ). ‘Hán Nguỵ chi tế’ (giai đoạn Hán Nguỵ) là cách nói của nhà sử học Hà Tư Toàn, nhưng ông ấy đem giai đoạn lịch sử Hán Nguỵ này kết hợp với bộ chủ nghĩa Mác, nói rằng: ‘Hán Nguỵ chi tế là từ nô lệ đến chế độ phong kiến’. Cách nói này Giáo sư Chương không đồng ý, bởi vì Tần Hán là ‘biên hộ tề dân’ (mọi người đều bình đẳng), không phải là chế độ nô lệ. 

Ở đây đã đưa ra một góc nhìn đó là: Tần Hán đã kết thúc chế độ phong kiến thời Chiến Quốc, nhưng đến Nguỵ Tấn – Nam bắc triều lại xuất hiện đặc điểm giống phong kiến.

Đến đây Giáo sư Chương đã giảng xong đoạn lịch sử thứ hai, ‘Tần Hán thống nhất’ kẹp giữa 2 lần chia cắt. Loại chia cắt này đến thời Tuỳ thì chấm dứt. Đó sẽ là thời kỳ lịch sử thứ ba.

Ở thời kỳ lịch sử thứ ba, giáo sư Viên Hành Bái phân từ nhà Tuỳ cho đến năm 1521, tức những năm cuối thời Chính Đức của Minh Vũ Tông. Nhưng cách chia này Giáo sư Chương thấy có chút khiên cưỡng. Giáo sư Chương phân thời kỳ lịch sử thứ ba này, vẫn từ lúc nhà Tuỳ kiến lập, nhưng điểm cuối là Chiến tranh Nha phiến 1840. Rốt cuộc sự thể ra làm sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích:

(*) Ngoài Tần Hán sử, thì 2 loại bài lịch sử quy mô lớn của Giáo sư Chương còn có:

1, Tiếu đàm phong vân: 

+ Phần 1: Đông Chu liệt quốc, chúng tôi đã dịch xong, tên là Phong vân mạn đàm.

+ Phần 2, 3, 4 thì mọi người lần lượt vào các tag:

Tần Hoàng Hán Vũ

Tuỳ Đường thịnh thế

Lưỡng Tống phồn hoa

+ Phần 5: Đại Minh vương triều, chưa dịch.

2, Trung Hoa văn minh sử: các phần miễn phí thì vào link tag Trung Hoa văn minh sử.

Tin vui là: Các phần còn lại của Tiếu đàm phong vân có đăng trên Epoch Times tiếng Trung, chúng tôi sẽ sớm gửi đến quý độc giả.

(**) Link ‘Tần Hán sử’ tập 1 ‘Tự thuật’ trên trang mạng thành viên ‘Kiền tịnh thế giới’ (Ganjing World).

(***) Ảnh trong bài chụp từ ‘Tần Hán sử’ tập 1.

Từ Khóa: